Sáng 4/7, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đã khai mạc Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng năm 2022.
Dự hội nghị tại đầu cầu trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng dự. Tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố có Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, 6 tháng đầu năm nay, kinh tế có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản đề ra.
“Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, trong đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 06 tháng tăng 2,44%. Kinh tế có bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GDP vượt kịch bản cao đề ra, trong đó, GDP Quý II ước tăng 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất kể từ năm 2011. Tính chung 06 tháng, GDP ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn so với dự kiến kịch bản và cùng kỳ năm 2021, tương đương mức bình quân các năm trước dịch . Đáng chú ý là sự phục hồi nhanh của khu vực dịch vụ, ước tăng 6,6%, cao gấp 1,7 lần so với cùng kỳ ; nhiều địa phương động lực đã đạt mức tăng trưởng GRDP cao như: Hà Nội (7,79%), Bắc Giang (24,0%), Bắc Ninh (14,7%), Thanh Hóa (13,41%)".
Lãnh đạo nhiều địa phương đánh giá cao sự điều hành linh hoạt, quyết liệt, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ, đặc biệt Thủ tướng đã có những chuyến công tác, kiểm tra, đôn đốc tại địa phương, giúp giải quyết, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn và đạt được kết quả khá cao trên các lĩnh vực.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết, địa phương này đã bám sát sự lãnh đạo chỉ đạo của Trung ương của Chính phủ, 6 tháng đầu năm kinh tế xã hội của tỉnh có bước phục hồi và phát triển mạnh mẽ, quý I Bắc Giang tăng trưởng là 15 %, quý II là 36 % và 6 tháng đạt 24 % là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Tất cả các chỉ tiêu về kinh tế xã hội của Bắc Giang thì đều cao hơn nhiều so với cùng kỳ, như giá trị sản xuất công nghiệp tăng tới gần 40 % so với cùng kỳ, xuất khẩu tăng 42 %, thu ngân sách thì tăng 31 % và đặc biệt là nông nghiệp năm nay được mùa nông dân rất phấn khởi.
Một số địa phương khác như TP.HCM, Quảng Nam cũng cho biết kinh tế- xã hội trên địa bàn có những chuyển biến tích cực trong 2 quý đầu năm, hứa hẹn cả năm sẽ đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.
Bên cạnh đó, các đại biểu Bộ ngành trung ương và địa phương cũng cho ý kiến, kiến nghị và đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong 6 tháng cuối năm.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: “Bộ Công Thương chúng tôi cũng đề nghị các địa phương ưu tiên ngân sách chia sẻ khó khăn với Chính phủ triển khai chương trình bình ổn thị trường nhằm ổn định cung cầu giá cả nhất là các chiến lược hàng hóa thiết yếu trên địa bàn. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối vùng nông thôn, miền núi để đưa hàng Việt về nông thôn, phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát hàng giả hàng, nhái hàng lậu để tạo điều kiện cho hàng Việt Nam phát triển thị trường nội địa.”
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát để thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước tại địa phương để hạn chế tăng giá từ nguyên nhân đầu cơ, tích trữ và tăng tần suất công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng để làm cơ sở, làm công cụ để phục vụ quản lý chi phí cũng như phục vụ quản lý hợp đồng xây dựng trong thời gian tới.
Đặc biệt về vấn đề miễn giảm học phí năm học 2022-2023 Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nêu ý kiến: "Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo thì đề xuất phương án: đối với mầm non và bậc trung học phổ thông đề nghị trong năm học 2022 - 2023 giữ nguyên như mức học phí của năm 2021- 2022; đối với bậc tiểu học hiện nay bậc này đã miễn học phí, riêng đối với bậc trung học cơ sở kiến nghị miễn học phí cho bậc trung học cơ sở ngay từ năm học 2022 và 2023; còn đối với giáo dục đại học xin đề xuất phương án giãn lộ trình tăng học phí và riêng trong năm 2022 2023 thì tăng ở mức 15% so với trong Nghị định 81 dự kiến tăng khoảng 25 %”.
Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong 6 tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ theo đúng chủ đề năm 2022 là "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển" và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tình hình KTXH khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều chỉ số vượt kế hoạch đề ra.
Thủ tướng khẳng định, những kết quả đạt được là do sự lãnh đạo sáng suốt của Bản Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, trong đó có các Nghị quyết của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
Thủ tướng phân tích về những kết quả đạt được đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Trong thời gian tới Thủ tướng yêu cầu: Bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo, các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết của địa phương; xây dựng kế hoạch thực hiện các nghị quyết, để cụ thể hóa các chính sách vào chương trình, nhiệm vụ cụ thể của các cấp, các ngành và các địa phương.
Về các quan điểm định hướng và nhiệm vụ trọng tâm Thủ tướng nhấn mạnh: “Tinh thần chỉ đạo chung là tuyệt đối không được chủ quan và luôn luôn chủ động linh hoạt sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, giữ đúng nguyên tắc cơ bản, nhưng linh hoạt sáng tạo trong điều hành trong lãnh đạo chỉ đạo, biến nguy thành cơ tận dụng tốt các cơ hội để phục hồi nhanh, phát triển bền vững. Tôi yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương, nhất là phải triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các nghị quyết của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội nghị quyết của Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng, các cấp. Tập trung vào quyết liệt hơn nữa, đồng bộ hơn nữa thực hiện 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp mà đã được xác định. Thông điệp chính là ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn, giữ đúng nguyên tắc cơ bản nhưng mà linh hoạt sáng tạo trong tổ chức điều hành và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong giai đoạn hiện nay.”
Thủ tướng giao Bộ KHĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan để tổng hợp, xây dựng Đề án bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để bị động trong chỉ đạo, điều hành. Chủ động cập nhật, hoàn thiện các phương án, kịch bản chỉ đạo điều hành phù hợp trên cơ sở phân tích, dự báo diễn biến tình hình quốc tế, trong nước.
Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung chỉ đạo thực hiện 15 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng; Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả.
Về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng yêu cầu Bộ KHĐT chủ trì xử lý ngay những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nhất là về giải phóng mặt bằng, kịp thời công bố giá nguyên, vật liệu xây dựng hàng tháng phục vụ các dự án đầu tư công; Chú trọng rà soát điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công; báo cáo cụ thể và đề xuất xử lý nghiêm các cơ quan, địa phương làm chậm, vi phạm quy định.
Quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường, phòng chống đầu cơ, buôn lậu; Bảo đảm vững chắc nguồn cung năng lượng; Bảo đảm an ninh lương thực; Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, quy hoạch, cơ chế, chính sách; Triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, các Nghị quyết về phát triển vùng và một số dự án giao thông trọng điểm.
Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, cổ phần hóa, thoái vốn, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN; Chú trọng phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Đặc biệt về vấn đề giảm học phí cho học sinh và hỗ trợ cho giáo viên bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm học 2022 -2023, Thủ tướng yêu cầu: “Bộ GD&ĐT ban hành các văn bản tinh thần chung là giảm chi phí cho học sinh và phụ huynh trong điều kiện hiện nay làm sao cho phù hợp, khoa học, hiệu quả, sát với tình hình thực tiễn. Các bộ, ngành và đặc biệt Bộ Giáo dục đào tạo, Bộ Tài chính, các đồng chí chủ trì để làm cái việc này. Tập trung tổ chức tốt kỳ thi THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp; tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; hoàn thiện phương án đối với môn Lịch sử ở cấp trung học phổ thông vừa có phần bắt buộc, và vừa có phần tự chọn; Ban hành chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non tiểu học ngoài công lập.”
Bên cạnh đó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; Tăng cường quản lý tài nguyên, môi trường; Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và công tác tiếp công dân, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế; Tăng cường công tác xây dựng Đảng trong hệ thống hành chính nhà nước;
Tiếp tục đẩy mạnh thông tin, truyền thông, bảo đảm người dân, doanh nghiệp cập nhật kịp thời, đầy đủ các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Chủ động đấu tranh, phản bác các thông tin xấu độc, sai sự thật; xử lý nghiêm các vi phạm./.