Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, năm 2019 ông dẫn đầu đoàn nghiên cứu chiến lược phát triển đất nước đến Harvard lắng nghe ý kiến chuyên gia. Đoàn sau đó đã nghiên cứu và thể hiện một phần về nội dung phát triển bền vững. Theo đó, muốn phát triển bền vững thì không chỉ có kinh tế bền vững, mà còn phải bền vững trong văn hóa, xã hội, con người. Việt Nam xác định mục tiêu lấy người dân làm chủ thể, mọi chính sách đều xoay quanh người dân, đem lại lợi ích cho nhân dân.
"Việt Nam thấy rằng phát triển nhanh và bền vững phải dựa trên động lực mới. Ngoài thể chế, hạ tầng, phải bổ sung hai động lực mới trong ba đột phá là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và giá trị văn hóa con người Việt Nam", ông Dũng nhấn mạnh.
Giáo sư Kinh tế David Dapice đánh giá việc tham gia những hiệp định thương mại quốc tế là thành công tuyệt vời của Việt Nam. Hàng triệu người lao động nông nghiệp đã vào nhà máy. Tuy nhiên điểm yếu là phần lớn nguyên liệu sản xuất đều nhập từ Trung Quốc. Khi Covid-19 xảy ra, biên giới đóng cửa hay khi có căng thẳng thương mại thì sẽ ảnh hưởng đến hàng xuất nhập của Việt Nam. "Cần phát triển đầu vào trong nước, đa dạng hóa nguồn phục vụ xuất khẩu", ông nói.
Theo Giáo sư David Dapice, thặng dư thương mại với Mỹ năm nay của Việt Nam có thể lên tới 100 tỷ USD. Con số này so với Mỹ nhỏ, nhưng gợi ý cho Việt Nam là cần liên tục trao đổi để tránh bị cho là thao túng tiền tệ. Nền quản trị cũng nên kích hoạt phản ứng nhanh nhạy, còn nền kinh tế số đòi hỏi có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, giao thương với nước ngoài, hợp tác đào tạo giáo dục.
"Thu hút FDI ngày càng khó hơn. Hãy làm sao cho năng lượng tái tạo hiện hữu, tạo lợi thế cạnh tranh so với ASEAN", GS David Dapice gợi ý thêm rằng muốn trở thành nên kinh tế đáng tin cậy, phải tránh xa nguồn đầu tư không mang lại cạnh tranh cho Việt Nam.
Cùng với đó, nền kinh tế phải được duy trì độ mở cần có, đặc biệt là vấn đề thông tin trao đổi. Khi có độ mở sẽ thu hút nhiều tài năng hơn, nhà đầu tư sẽ cảm thấy thoải mái khi đến môi trường không bị cấm đoán.
Đặc thù của Việt Nam là có nhiều tỉnh ở khu vực xa không có cơ sở hạ tầng thuận lợi, khó để họ tiếp cận, thu hút FDI. GS David Dapice đề nghị thử nghiệm sử dụng thuế bất động sản, cho phép địa phương sử dụng thuế bất động sản để đầu tư mà không dùng ngân sách quốc gia.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng thừa nhận hội nhập kinh tế mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam nhưng Việt Nam cũng phải đối mặt nhiều thách thức. Ngân hàng phải tăng cường phân tích dự báo để đưa ra chính sách đồng bộ, phù hợp thực tiễn; kiên quyết không dùng tiền tệ để tạo lợi thế cạnh tranh trong thương mại.
"Với sự kiên định đó nhiều năm kết quả kiểm soát lạm phát của Việt Nam rất ấn tượng, đi đôi với tốc độ tăng trưởng khá cao. Thị trường ngoại hối ổn định, là điểm sáng để Việt Nam nâng cao vị trí trong xếp hạng tín nhiệm", bà Hồng nói.
GS Y khoa David Golan đánh giác cao các giải pháp phòng chống Covid-19 của Việt Nam. Đơn cử như ngay từ đầu, Việt Nam đã quyết định giãn cách, hạn chế đi lại, tăng cường khả năng phản ứng của các cơ sở y tế. Bác sĩ và y tá là đối tượng tác động nhiều nhất nên Việt Nam đã tăng cường trang bị, bảo hộ để hạn chế lây nhiễm. Bộ Y tế đã huy động sinh viên y năm cuối tham gia chóng dịch, truy vết, cách ly.
"Trường Y Harvard hân hạnh tài trợ 700.000 USD đào tạo kiến thức cho 5.800 sinh viên, sau đó triển khai đến các nơi bùng dịch", GS David Golan cho biết, để giúp Việt Nam có hệ thống y tế mạnh mẽ, kiên cường trong bối cảnh các mối đe dọa, phải đầu tư chuyển đổi từ tiếp nhận kiến thức, sang thực hành. Ban hành chứng chỉ đào tạo gắn liền với các khuôn khổ đào tạo của thế giới.
Ông cũng đề xuất Việt Nam thiết lập trung tâm nghiên cứu y sinh, giúp chuyển giao công nghệ, xây dựng y sinh chiến lược. "Tham vọng này đòi hỏi phải có cam kết chính trị cấp cao", ông nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận được ba câu hỏi từ các giáo sư, nghiên cứu sinh. Có vị băn khoăn đồng bằng Sông Cửu Long là tài sản địa chính trị nhưng đã bị hạn chế nước ở thượng nguồn, làm ảnh hưởng đến hạ nguồn. Chính phủ Việt Nam làm gì để hạn chế tác động đó?
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết trong cuộc thảo luận với Tổng thống Joe Biden ở khuôn khổ Hội nghị Cấp cao đặc biệt cũng đề cập nội dung này. Đây là vấn đề của khu vực nên cần có sự chung tay của các nước, và tác động đến người dân nên phải kêu gọi người dân cùng quan tâm.
Sahra, sinh viên cao học của Harvard thì nêu tinh thần đổi mới sáng tạo được Việt Nam khuyến khích. Vậy Việt Nam làm gì để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo?
Thủ tướng cho biết đổi mới sáng tạo là quan điểm nhất quán của Việt Nam, quan điểm này vừa phải kế thừa, vừa đổi mới và phát triển. "Phải có hệ sinh thái về đổi mới sáng tạo, trước hết phải có thể chế, nguồn lực, con người, làm sao để mỗi người hào hứng tham gia đổi mới sáng tạo. Đồng thời, phải có sự chung tay hợp tác quốc tế mới tạo ra được hệ sinh thái đổi mới sáng tạo", người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh.
Một chuyên gia thâm nhập máy tính người Việt Nam đang làm việc tại Mỹ cho biết muốn hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực phát triển kinh tế số, vậy có thể hỗ trợ bằng cách nào?
Theo Thủ tướng, an ninh mạng là vấn đề toàn cầu chứ không chỉ riêng Việt Nam. Đây là vấn đề Việt Nam đang hợp tác quốc tế và tự nâng cao năng lực thông qua xử lý các vấn đề xảy ra trong thực tiễn. "Bạn có thể tham gia hỗ trợ hoàn thiện thể chế, công nghệ liên quan an ninh mạng, đặc biệt là tham gia đào tạo con người, vì tạo ra an ninh mạng hay chống lại nó đều là do con người", Thủ tướng nói./.