Đây là yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với toàn Ngành tài chính tại hội nghị trực tuyến tới 62 điểm cầu trong cả nước tổng kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước năm qua, triển khai nhiệm vụ năm nay, diễn ra sáng nay tại Hà Nội, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội; các bộ, ngành, cơ quan trung ương.

Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế thời gian qua Ngành Tài chính đã chủ động tham mưu, ban hành sớm nhiều cơ chế, chính sách giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ứng phó có hiệu quả với đại dịch Covid-19; khắc phục thiên tai; ổn định sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và hỗ trợ nền kinh tế vượt qua suy thoái. Nổi bật là đã điều hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực; thúc đẩy thu NSNN với phương châm thu đúng, thu đủ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chi NSNN.

Theo đó thu NSNN năm 2020 đạt 98% dự toán, tăng 184 nghìn tỷ đồng so với đánh giá tại Quốc hội tháng 10/2020; tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 23,9% GDP; bảo đảm cân đối ngân sách, kiểm soát bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội cho phép (đến cuối năm 2020, bội chi dưới 4% GDP; nợ công 55,8% GDP; nợ Chính phủ 49,6% GDP). Tính chung giai đoạn 2016-2020, tổng thu NSNN đạt 6,89 triệu tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch...

Tham luận tại hội nghị, lãnh đạo nhiều tỉnh thành phố khẳng định, dù khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương đã vào cuộc, nỗ lực cân đối thu – chi ngân sách đảm bảo đúng theo dự toán. Từ điểm cầu trực tuyến Thành phố Hồ Chí Minh, bà Phan Thị Thắng - Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết, năm 2020 thành phố đã đảm bảo được mục tiêu "kép" vừa đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn, đảm bảo đời sống của nhân dân. Trong đó, các biện pháp linh hoạt của thành phố đã giúp nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách trên địa bàn.

Lãnh đạo các địa phương cũng cam kết trước Thủ tướng trong năm nay sẽ tiếp tục tăng cường quản lý và khai thác các nguồn thu, quản lý tài chính doanh nghiệp, đẩy mạnh tái cấu trúc nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Song song với đó là tăng cường kiểm soát quản lý chi tiêu ngân sách và tài sản công. Đặc biệt là bố trí kế hoạch chi trọng tâm trọng điểm, tránh dàn trải, tăng cường đôn đốc các đơn vị thực hiện đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công...

Phát biểu tại hội nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá thời gian qua, ngành tài chính đã thực hiện xuất sắc nhiệm vụ tài chính, ngân sách Nhà nước, chủ động tham mưu ban hành nhiều cơ chế, chính sách ứng phó hiệu quả với COVID-19, khắc phục thiên tai, ổn định sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ nền kinh tế. Đã triển khai nhiều giải pháp chính sách tài khóa linh hoạt như miễn, giảm, giãn thuế, phí và lệ phí, tiền thuê đất với gần 124.000 tỷ đồng, hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19.

“Bộ Tài chính đã thể hiện tốt được vai trò của cơ quan đầu mối, chủ lực trong điều phối điều hành kinh tế vĩ mô, chủ động phối hợp với các bộ, ngành trong việc điều hành vĩ mô trên các lĩnh vực tài khóa, tiền tệ, tín dụng, đầu tư, thương mại và giá cả...nhất là trong bối cảnh nền kinh tế với quy mô 100 triệu dân như nước ta. Ổn định vĩ mô chính là bài học xương máu trong điều hành quản lý kinh tế, cụ thể là các chỉ tiêu quan trọng như lạm phát thấp bội chi ngân sách dưới mức Quốc hội cho phép nợ công giảm”, Thủ tướng nêu rõ.

Khái quát 7 kết quả nổi bật của ngành tài chính trong năm 2020, Thủ tướng nhấn mạnh năm nay tình hình thế giới diễn biến rất phức tạp, không chỉ dịch bệnh mà cả cạnh tranh quốc tế, nguy cơ khủng hoảng tài chính, tiền tệ, nợ công trên phạm vi toàn cầu có thể xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến ngành tài chính, cả về thu và chi NSNN, nợ công.

Trong bối cảnh như vậy, Ngành Tài chính cần tiếp tục nỗ lực đổi mới, hành động quyết liệt hơn, hiệu quả hơn thì mới hiện thực hóa được khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng, hùng cường, tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển trong 5-10 năm tới. Thủ tướng nêu rõ, tinh thần là Tài chính phải góp phần khơi dậy và giải phóng nhiều nguồn lực của đất nước.

“Bộ Tài chính phải bám sát phương châm hành động của Chính phủ để tổ chức triển khai Kế hoạch phát triển KTXH và dự toán NSNN năm 2021, Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP của Chính phủ, đề nghị các đồng chí triển khai thực hiện ngay kế hoạch, chương trình hành động và chỉ đạo thực hiện quyết liệt ngay từ ngày đầu, tháng đầu; phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan chức năng ở trung ương, nhất là Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương trong điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt nhằm điều tiết vĩ mô, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. làm tốt công tác quản lý thu NSNN, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; tăng cường chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế, buôn lậu, gian lận thương mại...; giảm nợ đọng thuế năm 2021 xuống dưới 5% tổng thu NSNN; phấn đấu tăng thu NSNN tối thiểu 3% so dự toán theo Nghị quyết Chính phủ, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt 15,5% GDP. Điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Kiểm soát bội chi NSNN trong phạm vi 4% GDP và phấn đấu thấp hơn”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng yêu cầu toàn Ngành tài chính tăng cường quản lý giá, thị trường, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường, nhất là dịp Tết Nguyên đán, đồng thời, quản lý và phân phối hiệu quả trong những trường hợp cứu trợ cấp bách. Đẩy mạnh phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, các sản phẩm bảo hiểm, mở rộng các kênh phân phối bảo hiểm mới, tăng cường kết nối sản phẩm bảo hiểm với các dịch vụ tài chính khác, ngang tầm khu vực và quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển của Đất nước trong tình hình mới./.