Sáng 29/9 tại trụ sở UBND Thành phố Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Thành phố Hà Nội. Cùng dự có Bí thư Thành ủy Thành phố Hà Nội Hoàng Trung Hải, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng làm việc với lãnh đạo chủ chốt của Hà Nội |
Thủ tướng cũng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành tại buổi làm việc này phải nêu rõ quan điểm trong xử lý các kiến nghị của Hà Nội, tạo điều kiện cho Hà Nội phát triển, để Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội. Các khuyến nghị phải rõ các định hướng để xử lý các vấn đề về kinh tế, văn hóa, đối ngoại, an ninh, quốc phòng… để xây dựng Thủ đô hòa bình, phát triển và đổi mới, hội nhập, xứng danh Thành phố vì Hòa Bình.
Theo báo cáo của Thành phố Hà Nội, 9 tháng qua, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 8,1% và dự kiến tăng 8,5%, đạt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách dự kiến cả năm hoàn thành kế hoạch với trên 207.000 tỷ đồng. Thành phố đã thu hút gần 400 dự án đầu tư nước ngoài với 2,16 tỷ USD vốn đăng ký, trong đó có 22 dự án theo hình thức hợp tác công-tư với 60.000 tỷ đồng.
Cùng với việc đời sống của người dân được nâng lên, dự báo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,77% vào cuối năm nay.
Trong công tác quy hoạch, Hà Nội cơ bản hoàn thành phủ kín các quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch chung triển khai theo Quy hoạch chung Thủ đô. Thành phố đang tập trung thực hiện quy hoạch cải tạo các khu chung cư cũ, các khu nhà ở xã hội, các bãi đỗ xe ngầm… Tiếp tục triển khai chương trình “một triệu cây xanh”, Thành phố đã trồng được trên 60.000 cây xanh đường kính thân lớn. Phấn đấu đến năm 2020 có 100% dân số được sử dụng nước sạch.
Tuy vậy, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng thừa nhận còn một số tồn tại như tình trạng vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công, đặc biệt là lấn chiếm đất nông nghiệp; tình trạng ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm; còn những sai phạm trong quản lý đô thị, quản lý đầu tư xây dựng, quản lý đất đai và quản lý tài chính về đất đai. Công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề còn bất cập, còn xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường trên một số hồ…
Tại buổi làm việc, Thành phố Hà Nội đã kiến nghị, đề xuất với Thủ tướng và Chính phủ, các bộ, ngành hơn 20 vấn đề cần xử lý, trong đó có việc ủy quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm A nguồn vốn ngân sách Thành phố; cơ chế phát triển quỹ nhà ở xã hội; cho phép Thành phố tiếp tục làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp sau sắp xếp, cổ phần hóa và cho phép Thành phố được quản lý, sử dụng số tiền thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước để bổ sung nguồn vốn thực hiện các dự án trọng điểm.../.