Mở đầu phiên đối thoại bạn Nguyễn Đức Trung - Quỹ đầu tư VinaVenture đặt câu hỏi: “Kính thưa Thủ tướng, thưa diễn đàn, Thủ tướng và chính phủ đã có những chính sách tháo gỡ những khó khăn. Tuy nhiên, khi những chính sách mới ra đời lại chưa cập nhật hoặc độ phủ của chính sách chưa đủ lớn và trở nên lạc hậu ngay trong thời điểm ban hành. Như Nghị định 38 là một ví dụ, từ lúc được ban hành đến nay vẫn chưa có quỹ nào đi vào hoạt động do cơ chế quản lý không phù hợp, xin hỏi Chính phủ, Bộ ngành có biết những hạn chế đó chưa và có thay đổi chính sách này không?”.

Được sự chỉ định của Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng trả lời: “Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ 3 vấn đề các bạn đưa ra chúng tôi nhận thấy đây là những vướng mắc của Nghị định 38 hướng dẫn đầu tư giúp việc hình thành phát triển quỹ khởi nghiệp tại Việt Nam. Chúng tôi xin được nghiêm túc tiếp thu và sẽ cùng bàn với Bộ KHĐT. Báo cáo với quý vị đại biểu chủ trì Bộ KHĐT là người cùng với chúng tôi nhưng Bộ KHĐT đang trình Chính phủ, tiếp thu các ý kiến để sửa đổi nghị định 38 trong thời gian tới để giúp hệ sinh thái khởi nghiệp giải quyết các vướng mắc như các bạn đã nói”.

Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Tháng 12 phải làm cho xong nhé. Thủ tướng sẵn sàng ký lại cái này. Tháo gỡ, tháo gỡ hơn nữa”.

Cho rằng việc tiếp cận nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng để khởi nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, bạn Nguyễn Thị Thu Phương – TGĐ Công ty CP Damaca Nguyên Phương nêu câu hỏi: “Kính thưa Thủ tướng, thưa Diễn đàn Đầu tư từ các doanh nghiệp lớn/ tập đoàn tư nhân và nhà nước cho khởi nghiệp sáng tạo luôn là một kênh đầu tư quan trọng cho startup ở nhiều quốc gia, tuy nhiên hoạt động này ở Việt Nam lại chưa được đẩy mạnh hay trở thành kênh đầu tư chính thức. Xin hỏi Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ có những giải pháp gì cho vấn đề này?”.

Trả lời vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, về cơ chế chính sách của ngân hàng nhà nước thì hoàn toàn không có quy định rằng các ngân hàng thương mại không được phép cho các startup vay mà hoàn toàn khuyến khích với điều kiện là đánh giá được năng lực, cũng như điều kiện tài chính, đáp ứng được những điều kiện cơ bản của nguyên tắc tín dụng.

“Gói 5.000 tỷ dành cho những doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ cũng như những doanh nghiệp startup mà cái này cũng thông cáo, rộng rãi trên thông tin đại chúng để những doanh nghiệp startup có thể đến ngân hàng BIDV. Một số ngân hàng cổ phần cũng có những chương trình cho vay, không giới hạn về mặt khối lượng, đúng đối tượng và nguồn lãi suất thấp hơn so với quy định và được thuộc đối tượng ưu tiên”, ông Tú cho hay.

Nhận định hiện nay một trong những nguồn nhân lực tiềm năng để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam trong đó có nhóm du học sinh, trí thức trẻ, các bạn khởi nghiệp đang sinh sống và học tập, làm việc tại  nước ngoài, Tiến sĩ Trần Lê Hưng, Đại học Cầu đường Paris nêu câu hỏi: “Với chính sách như hiện nay đã đủ hấp dẫn để thu các bạn du học quay về Việt Nam để lao động?”.

Thừa uỷ quyền Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ lao động thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung trả lời: “5 năm tới , đặc biệt tới đây Đại hội 13 của Đảng tiếp tục coi việc tập trung phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao tiếp tục là một trong 3 khâu đột phá chiến lược của chúng ta. Chú trọng ở đây là chú trọng vào con người nhưng mà chất lượng cao”.

Trước thực tế, nhu cầu chuyển đổi số đối với doanh nghiệp và startup trong bối cảnh chiến tranh thương mại, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp là rất lớn, bạn Lưu Thế Lợi – CEO công ty Founder Kyber Network đặt câu hỏi: “Vậy Chính phủ có có chế, chính sách nào hoặc hỗ trợ gì để thúc đẩy hiệu quả sự chủ động của bộ ngành, doanh nghiệp lớn sẵn sàng tham gia vào liên kết doanh nghiệp và startup để phát triển những sản phẩm Công nghệ và mục tiêu chuyển đổi số?”.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Chuyển đổi số đổi mới sáng tạo là cái va đầu tiên của nó là va với chính sách, vì tất cả những việc chúng ta làm đều là việc mới và chưa có thể chế. Việc đầu tiên nhà nước phải làm là tạo ra thể chế cho chuyển đổi số, cho những mô hình kinh doanh mới”.

“Hiện nay Chính phủ chủ trương là sand-box như các bạn nói khó. Tất cả các doanh nghiệp liên quan đến công nghệ số hãy coi Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ chế một cửa, ra được một cái sand-box chính sách nó động đến nhiều bộ thì Bộ sẽ đứng ra làm điều đó chứ để các doanh nghiệp chạy các bộ thì không làm được đâu. Chúng tôi nhận đầu mối duy nhất đó cho những doanh nghiệp công nghệ số”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.

Kết luận diễn đàn thanh niên khởi nghiệp 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao thế hệ trẻ ngày nay đang kế thừa và bộc lộ rõ những phẩm chất cần mẫn thông minh và sáng tạo, cùng với lợi thế thích ứng nhanh với môi trường không gian mạng, và tiến bộ công nghệ. Đặc biệt, các bạn trẻ đã nhìn nhận được  một trong thách thức trong việc tạo lập lợi thế cạnh tranh mới của đất nước còn đang nhiều hạn chế như: chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong đổi mới sáng tạo, đặc biệt thể chế trong đổi mới sáng tạo.

Thủ tướng nêu rõ, diễn đàn là dịp để chúng ta thẳng thắn nhìn nhận lại những gì đã làm, muốn làm tốt phải phát huy, những bài học kinh nghiệm quý báu, đề ra những giải pháp cụ thể thiết thực để các bạn trẻ có thể phát huy tâm huyết, đam mê trí tuệ của mình để khởi nghiệp lập nghiệp, biến giấc mở thành hiện thực.

“Chính phủ cam kết sẽ bảo hộ tối đa quyền sở hữu trí tuệ, sáng kiến ý tưởng khởi nghiệp của các bạn, Vì đây là tài sản vô cùng lớn. chính phủ sẽ ưu tiên đầu tư hạ tầng công nghệ, nhất là thông tin, viễn thông, tạo nền tảng cần thiết khuyến khích các ngành kinh tế tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của mình. Xem xét từng kiến nghị và đề xuất các phương án xử lý phù hợp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cho rằng, các khuôn khổ pháp lý và thể chế cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo vẫn còn nhiều thách thức, nhất là hoạt động của các quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp mới có ở một số tỉnh thành lớn vàviệc hỗ trợ còn hạn chế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, địa phương thường xuyên đối thoại, chủ động thiết lập các kênh chia sẻ thông tin cung cấp các định hướng quy hoạch cho doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận; đẩy mạnh hoạt động quỹ hỗ trợ khỏi nghiệp, xây dựng những cơ chế hỗ trợ tài chính, phát huy vai trò các quỹ đầu tư tư nhân.

“Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã vừa nói đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực vị thế và uy tín như ngày hôm nay. Vậy, cơ đồ, tiềm lực vị thế và uy tín của Việt Nam trong tương lai là thế nào. Việt Nam có thực hiện được khát vọng hùng cường vào năm 2025 hay không? Chính thế hệ trẻ các bạn hôm nay phải trả lời câu hỏi đó bằng chính hành động, khởi nghiệp sẽ là con đường biến ước mơ của bản thân thành hiện thực, đồng thời hiện thực hóa khát vọng lớn hơn của dân tộc ta”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Thủ tướng cũng đề nghị Trung ương Đòan TNCS Hồ Chí Minh, và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam sớm có chương trình hành động sau diễn đàn để hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và phối hợp với các ngành các cơ quan liên quan tập trung tháo gỡ rào cản, vướng mắc những giải pháp mà đã được nhận diện và thống nhất tại diễn đàn./.