Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM 10 tại Milan, đêm qua và rạng sáng nay 17/10 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc gặp song phương với các nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các nước sớm phê chuẩn Hiệp định Hợp tác và Đối tác toàn diện Việt Nam – EU (PCA) và sớm hoàn tất ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (FTA).

thu_tuong_1_mlzm.jpg

Trong cuộc gặp giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với Tổng thống Pháp Francois Hollande, hai bên đánh giá cao những kết quả hợp tác song phương đã đạt được trong thời gian qua nhằm triển khai Đối tác chiến lược Việt  - Pháp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Pháp đánh giá cao thành công của sự kiện Năm Việt Nam – Pháp 2013 – 2014 nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đã góp phần củng cố sự gắn bó và giao lưu giữa hai dân tộc. Hai Bên cũng nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp Bộ, ngành, địa phương; thống nhất các biện pháp cụ thể, tạo xung lực mới cho mối quan hệ Đối tác chiến lược trên các lĩnh vực hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư an ninh – quốc phòng, công nghệ cao, hạ tầng, năng lượng, giao thông, hàng không và vũ trụ, y tế, nông nghiệp, chế biến thực phẩm và môi trường.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng thống Pháp cũng đã trao đổi ý kiến về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai Bên cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức Hội nghị về Biến đổi khí hậu lần thứ 21 của Liên hợp quốc (COP 21), tổ chức tại Paris vào năm 2015. Tổng thống Pháp bày tỏ nhất trí về tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có bảo đảm hòa bình, an ninh an toàn và tự do hàng hải, giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật biển của Liên hợp quốc 1982.

Gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Italia Matteo Renzi (hiện là Chủ tịch luân phiên EU và Chủ tịch ASEM 10) nhắc lại những ấn tượng tốt đẹp trong chuyến thăm Việt Nam tháng 6 vừa qua; cám ơn đoàn Đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM-10, đóng góp quan trọng cho thành công của Hội nghị.

Trao đổi về quan hệ song phương, hai Thủ tướng bày tỏ hài lòng về sự phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Italia trong thời gian qua; đánh giá cao việc triển khai các nội dung hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế – thương mại – đầu tư, văn hóa, giáo dục – đào tạo, quốc phòng – an ninh... Để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương, hai Thủ tướng nhất trí các cơ quan hữu quan hai nước cần cùng nhau cố gắng đưa hợp tác kinh tế thành một trụ cột chính trong quan hệ Đối tác chiến lược; trao đổi, thống nhất các biện pháp khuyến khích và tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp xúc, kết nối đối tác để đạt mục tiêu đã thống nhất đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 5 tỷ USD vào năm 2015. Hai Thủ tướng cũng cho rằng hai bên cần duy trì và triển khai các cơ chế tham vấn giữa các Bộ, ngành hai nước trong từng lĩnh vực hợp tác, trước mắt là tổ chức tốt cuộc họp lần thứ nhất Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Italia về hợp tác kinh tế và Đối thoại chiến lược cấp Thứ trưởng Quốc phòng vào tháng 11/2014 tại Hà Nội. 

Hai bên cũng tiếp tục hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế và khu vực. Về vấn đề biển Đông, Thủ tướng Italia khẳng định ủng hộ bảo đảm an ninh an toàn và tự do hàng hải, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, công ước LHQ về luật biển...Italia khẳng định tiếp tục ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và EU, trong đó có việc thúc đẩy EU sớm phê chuẩn Hiệp định Đối tác Hợp tác (PCA), ủng hộ Việt Nam sớm được EU công nhận quy chế kinh tế thị trường đầy đủ cùng thời điểm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam – EU, nhất là trong bối cảnh Italia đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên EU 6 tháng cuối năm 2014.

Trong cuộc gặp với Thủ tướng Thụy Điển Stefan Löfven,Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một lần nữa chúc mừng Ngài Stefan Löfven được bầu giữ chức Thủ tướng Thụy Điển; cảm ơn những tình cảm và sự giúp đỡ quý báu mà Chính phủ Thụy Điển đã dành cho Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất và phát triển đất nước. Hai Thủ tướng vui mừng trước những bước phát triển tốt đẹp trong quan hệ hai nước sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao; nhất trí hai bên cần tăng cường trao đổi và tiếp xúc ở các cấp, nhất là thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao; phối hợp tạo điều kiện để các nhà đầu tư hai nước tiếp xúc, kết nối hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ xanh, sạch, sáng tạo đổi mới, giao thông, y tế. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự hỗ trợ ODA của Thụy Điển, nhất là trong lĩnh vực y tế, biến đổi khí hậu, bình đẳng giới.

Trong cuộc trao đổi giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Ailen Enda Kenny, hai bên bày tỏ hài lòng trước quan hệ ngày càng phát triển giữa hai nước và mong muốn khai thác nhiều hơn, hiệu quả hơn các cơ hội hợp tác, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư để tương xứng với tiềm năng của hai nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao hiệu quả của các dự án ODA do Chính phủ Ailen tài trợ và đề nghị Ailen tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, khắc phục hậu quả bom mìn. Hai thủ tướng cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục đào tạo, biến đổi khí hậu, nông nghiệp. Hai Thủ tướng mong muốn tăng cường hợp tác giáo dục,  trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, nhất là trong giới trẻ, hợp tác trong lĩnh vực con nuôi… Thủ tướng Ailen bày tỏ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam trong việc tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã gặp Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb. Hai Thủ tướng nhất trí phối hợp chặt chẽ thúc đẩy quan hệ song phương phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, tập trung vào một số nội dung cụ thể như: tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là các đoàn kinh tế, doanh nghiệp để hai bên tìm hiểu thông tin và cơ hội hợp tác; triển khai hiệu quả các dự án hợp tác phát triển đã thỏa thuận đến năm 2016 và xác định định hướng hợp tác trong thời gian tiếp theo. Hai Thủ tướng cũng đã trao đổi sâu rộng về các vấn đề khu vực và quốc tế cũng quan tâm; nhất trí tiếp tục truyền thống hợp tác chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương và quốc tế. Nhân dịp này, Thủ tướng Alexander Stubb đã nhắc lại lời mời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sang thăm Phần Lan.

Cũng tại Trung tâm Hội nghị Milan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có một loạt các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo các nước Kazakhstan, Hà Lan, Slovennia, Australia.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chúc mừng Kazakhstan chính thức trở thành thành viên của ASEM. Hai bên nhất trí thúc đẩy trao đổi đoàn cấp cao, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và nhu cầu như hợp tác năng lượng, dầu khí, tăng cường trao đổi thương mại, nhất là trong bối cảnh đàm phán FTA giữa Việt Nam với Liên minh hải quan Nga – Belarus – Kazakhstan sắp hoàn tất.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đánh giá quan hệ hợp tác giữa hai nước đang phát triển rất năng động và hiệu quả, thể hiện qua kết quả của các chuyến thăm vừa qua giữa lãnh đạo hai nước.  Hai Thủ tướng nhất trí tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại thị trường của nhau, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, năng lượng, kinh tế biển, dịch vụ hậu cần và đóng tàu…

Với Slovennia, hai bên bày tỏ hài lòng về những bước phát triển tích cực trong quan hệ hợp tác song phương những năm gần đây, nhất trí thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao và các hoạt động trao đổi, giao lưu giữa các bộ, ngành, nhất là hợp tác kinh tế.

Gặp Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Julie Bishop khẳng định Chính phủ mới của Australia tiếp tục coi Việt Nam là một trong những đối tác chủ chốt của Australia tại khu vực hâu Á - Thái Bình Dương. Hai bên khẳng định tiếp tục phối hợp và ủng hộ nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, ASEM, APEC, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF)...

Cũng tại Trung tâm Hội nghị Milan, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn và Quốc vụ khanh Rumani Ca-rơ-men Bu-rơ-la-cu đã chứng kiến Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre và Phó Chủ tịch Hội đồng tỉnh Tun-chê-a ký Bản Ghi nhớ về hợp tác giữa hai địa phương, trong đó, hai bên sẽ hợp tác triển khai các dự án trong khuôn khổ kế hoạch hợp tác Mekong - Danube của ASEM, do các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và EU điều phối với sự hỗ trợ của EU về quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các vấn đề môi trường xuyên quốc gia, du lịch sinh thái… Đây là hoạt động hợp tác cấp địa phương đầu tiên của Việt Nam với một nước thành viên EU trong khuôn khổ hợp tác liên tiểu vùng của ASEM, không chỉ góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai địa phương trong lĩnh vực cùng quan tâm, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, mà còn là một điển hình hợp tác liên khu vực giữa các nước ven sông Mekong - Danube  trong quản lý bền vững nguồn nước, đặc biệt là nguồn nước xuyên biên giới./.