Sáng 14/3, tại Thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cùng lãnh đạo một số bộ, ngành làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Nghệ An. Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.
Theo báo cáo của tỉnh Nghệ An, năm 2020, kinh tế tăng trưởng 4,45%, thu ngân sách đạt trên 17.600 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. 2 tháng đầu năm nay thu ngân sách đạt khá, gần 3.000 tỷ đồng. Ngay đầu năm tỉnh cũng đã thu hút nhiều nhà đầu tư lớn với nhiều dự án hàng trăm hiệu USD. Tỉnh có có 280 xã đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 68% số xã; 6 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Thủ tướng đánh giá cao tỉnh Nghệ An đã đạt những kết quả tích cực, kinh tế xã hội tiếp tục có tín hiệu tích cực sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh có tinh thần đoàn kết, trăn trở thực hiện các nhiệm vụ và mục tiêu. Chính điều đó đã giúp nhiều nhà đầu tư có lòng tin và quan tâm đầu tư vào tỉnh. Cùng với phát triển kinh tế, đời sống của người dân được nâng lên.
Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, Nghệ An vẫn thiếu những nhà đầu tư lớn, nên cần tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa về môi trường đầu tư để có những dự án mang tầm chiến lược, động lực. Để tạo điều kiện cho Nghệ An phát triển, Thủ tướng nêu rõ, lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẵn sàng lắng nghe các ý kiến của tỉnh, gồm cả việc hoàn thiện các thể chế pháp luật.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền tỉnh đẩy mạnh quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, có chương trình hành động để đưa Nghị quyết XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX của tỉnh vào cuộc sống. Theo đó, với một tỉnh giàu truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng như Nghệ An thì tỉnh cần lưu ý quán triệt và thực hiện những nội dung rất quan trọng trong Nghị quyết là khơi dậy khát vọng phát triển, văn hóa con người Việt Nam, vấn đề đổi mới sáng tạo…
Về một số vấn đề cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý: "Cầu Cửa Hội, điểm nhấn của mọi người dân đến với Hà Tĩnh, Nghệ An như thế nào? Một cây cầu ánh sáng, một cây cầu du lịch để mọi người dân đến với Nghệ An phải đến điểm này. Tại sao cầu Rồng trong Đà Nẵng, cầu có bàn tay nâng ở Bà Nà, khách đến thăm đông như thế. Có thể làm được điều đó không và muốn vậy phải làm như thế nào. Hay thành phố ánh sáng của Thành phố Vinh như thế nào? Hay làm thế nào để có những dự án chiến lược và những dự án đang làm phải tiếp tục theo đuổi như thế nào. Ở Thành phố Vinh có quy hoạch một số đường đi bộ thì phải có cách để bán được các sản phẩm ở đây. Trong quy hoạch phát triển, những ý tưởng mới, ý tưởng lớn, sâu sắc, cụ thể này phải được thực hiện để đưa tỉnh Nghệ An đi lên, trong đó Thành phố Vinh đóng vai trò trung tâm của sự phát triển".
Thủ tướng cũng đặt vấn đề Nghệ An cần thảo luận việc đưa Thị xã Cửa Lò về trực thuộc Thành phố Vinh, bởi kinh tế đô thị đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn.
"Nghệ An được xác định là trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ. Thanh Hóa đang phát triển, Hà Tĩnh đang phát triển, Thừa Thiên Huế cũng vậy. Vậy muốn làm trung tâm thì phải cần những gì. Do đó tôi đồng ý cần có những trường đại học, bệnh viện quy mô lớn, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí… ở đây. Do đó cần khơi thông điểm tắc nghẽn để thành trung tâm. Vấn đề nữa là trong phát triển phải chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, có tầm nhìn dài hạn hơn, tập trung vào 3 vùng kinh tế trọng điểm rõ hơn. Trong đó đặc biệt là tiếp tục phát triển miền Tây theo hướng xanh hóa, sử dụng sản phẩm từ rừng và dưới rừng làm thế mạnh. Trung tâm sản xuất gỗ rừng trồng là Nghệ An", Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất nguồn lực để phát triển hạ tầng cơ sở, mở rộng Thành phố Vinh quy mô hơn…Tại buổi làm việc, trên cơ sở nghiên cứu, tham mưu của các bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cho ý kiến về một số kiến nghị của tỉnh Nghệ An, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng cảng nước sâu Cửa Lò bằng hình thức xã hội hóa; vấn đề hình thành một khu công nghiệp công nghệ cao ở Nghệ An…
Trước đó, sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ thông xe cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam, kết nối tuyến đường bộ ven biển giữa tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh. Cầu Cửa Hội có tổng mức vốn đầu tư là 950 tỷ đồng, trong đó vốn trái phiếu Chính phủ là 450 tỷ, vốn ngân sách địa phương là 500 tỷ. Dự án cầu Cửa Hội góp phần kết nối các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tỉnh Nghệ An với tỉnh Hà Tĩnh; kết nối Cảng Cửa Lò, Cảng biển quốc tế Visai, … tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của hai địa phương, nhất là về du lịch./.