Sáng 9/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2018, định hướng nhiệm vụ 2019.

thu_tuong_1_tlgw.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. (Ảnh: VGP)
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo các Ngân hàng Thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối đều kiến nghị tăng vốn điều lệ để đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và đảm bảo an toàn tín dụng. Cùng với đó là nới rộng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài trên cơ sở vẫn giữ nguyên mức sở hữu của Nhà nước tối thiểu là 65%. Các ngân hàng cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, trong đó có cổ phần hóa, thoái vốn, và các ngân hàng sẽ đồng hành trong quá trình này để nâng cao hiệu quả.

Thông tin đáng mừng tại hội nghị, một số Ngân hàng Thương mại Nhà nước nắm cổ phần chi phối như Vietcombank, Agribank đã công bố giảm 0,5% lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực, nhằm thực hiện chủ trương đồng hành cùng với các doanh nghiệp của Chính phủ.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank cho biết, hệ thống Vietcombank quyết định chia sẻ lãi suất đối với các doanh nghiệp để đồng hành cùng doanh nghiệp theo hướng tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.

Đối với dư nợ ngắn hạn, Vietcombank giảm 0,5%, tức là tối đa cho vay ở mức 6%, thấp hơn 0,5% so với mức quy định trần của Thống đốc NHNN. Mức này áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp có 5 lĩnh vực ưu tiên đang dư nợ ngắn hạn đến thời điểm này và các doanh nghiệp vay mới năm 2019; giảm tất cả và đồng loạt 0,5% đối với các khoản vay trung dài hạn của 5 lĩnh vực ưu tiên tính trong năm 2019.

Trước các đề nghị của các Ngân hàng Thương mại về việc tăng vốn điều lệ, trong phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu NHNN xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phương án tăng vốn  đối với các Ngân hàng Thương mại Nhà nước đang nắm giữ trên 50% vốn điều lệ đến năm 2020 để đáp ứng vốn theo chuẩn mực vốn của Basel 2.

Về hoạt động của ngành Ngân hàng năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao hệ thống ngân hàng đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát, nhất là đồng hành và chia sẻ của các Ngân hàng Thương mại đối với các doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh.

Trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, chặt chẽ, bản lĩnh; phối hợp tốt với chính sách tài khóa, tạo thuận lợi cho các chính sách khác phát huy tác dụng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đánh giá ngành Ngân hàng đã cơ cấu lại hệ thống tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đạt kết quả tích cực, giúp “cục máu đông” nợ xấu tan dần, tác động tích cực đến nền kinh tế. Việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin được đẩy mạnh, phát triển các phương thức thanh toán mới, tạo tiện ích cho khách hàng và giảm thanh toán bằng tiền mặt, giảm chi phí cho xã hội.

NHNN đã đơn giản hóa, cắt giảm 1/3 điều kiện kinh doanh, góp phần quan trọng vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tuy vậy, Thủ tướng cho rằng, so với khu vực và thế giới, hệ thống tín dụng của nước ta còn có chất lượng tài sản chưa cao, tiềm lực tài chính nhỏ, sản phẩm dịch vụ còn nghèo nàn; trình độ quản trị điều hành chưa cao; công nghệ còn có khoảng cách so với thế giới. Việc cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu cần được kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn; cần lưu ý nợ xấu trong cho vay tiêu dùng có xu hướng  tăng. 

Nêu lên tình trạng sai phạm trong hệ thống quỹ tín dụng nhân dân có xu hướng tăng, Thủ tướng cho rằng các địa phương và NHNN ở địa phương chưa quan tâm vấn đề này.

Cho biết, Ngân hàng Thế giới báo động có một tỷ lệ dân số chưa tiếp cận được tín dụng, Thủ tướng nêu rõ, việc này có phần trách nhiệm của ngành Ngân hàng. Chính việc chưa tiếp cận được tín dụng dẫn đến tình trạng tín dụng đen ở nhiều địa bàn. Do vậy, Thủ tướng chỉ đạo NHNN phối hợp với Bộ Công an xử lý tình trạng này. Cùng với đó, các ngân hàng thực hiện nhiệm vụ chính sách cũng phải phát huy hơn nữa vai trò của mình.  

NHNN đã dành trên 5.000 tỷ đồng để Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam có gói xử lý vấn đề này, hỗ trợ cho vay chống tín dụng đen. Hai ngân hàng đã có rất nhiều thành tích trong xóa đói giảm nghèo, nhưng vấn đề tín dụng đen nhiều như vậy thì nói lên trách nhiệm của các đồng chí. Công an, chính quyền phối hợp với ngân hàng, người dân đẩy tín dụng đen ra khỏi xã hội, nhưng mặt khác hệ thống ngân hàng, trước hết là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam phải vươn ra đáp ứng được những yêu cầu cần thiết cho người dân” – Thủ tướng cho biết.

Cùng với việc ứng dụng công nghệ trong ngành Ngân hàng, Thủ tướng yêu cầu các ngân hàng có biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật cho khách hàng, nhất là trong thương mại điện tử đang có những lo ngại về lộ thông tin cá nhân.

Về nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng chỉ đạo NHNN cần chủ động trước những biến động của thế giới cũng như trong nước để có những kịch bản và phương án xử lý kịp thời, nhằm thực hiện các mục tiêu của đất nước đề ra. Trong đó, nước ta sẽ tiếp tục phát triển cao trong thời gian tới để nâng cao đời sống của người dân. Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu NHNN cũng phải có tinh thần “bứt phá” như phương châm của Chính phủ trong năm 2019.

Theo Thủ tướng, nhiệm vụ chính trị bao quát, xuyên suốt mà trong kết luận của Trung ương hay Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết 01 của Chính phủ, đó là điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng, hiệu quả; tăng cường khả năng ứng phó, hạn chế tác động bất lợi từ bên ngoài, kết hợp hài hòa với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác; kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Không thể nói kiểm soát lạm phát thì không tăng trưởng được.

“Tín dụng tăng lên ở mức nào, lĩnh vực nào là câu hỏi đặt ra đối với NHNN, các tổ chức tín dụng. Đặc biệt cùng với điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các đồng chí phải khơi thông các nguồn lực để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững. Như thế mục tiêu kép của ngành Ngân hàng là rất lớn và nặng nề” – Thủ tướng nhấn mạnh./.

Trong thực hiện Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng đặt hàng NHNN có lời giải cho bài toán: ngành Ngân hàng phải làm gì để tiên phong trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tạo cú huých đối với nền kinh tế.

Thủ tướng cũng chỉ đạo ngành Ngân hàng năm 2019 phải kiểm soát tín dụng tăng trưởng hợp lý, tập trung vào các lĩnh vực cần thúc đẩy; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống tín dụng gắn với xử lý nợ xấu; tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ, tạo các dịch vụ và tiện ích cho khách hàng.

Trong hội nhập quốc tế, NHNN phải chủ động trong đàm phán các FTA Việt Nam tham gia, đánh giá tác động và có đối sách phù hợp, kể cả việc chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Trong dịp Tết Nguyên Đán 2019, Thủ tướng chỉ đạo NHNN có biện pháp để không thiếu tiền mặt cho người dân, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và xã hội, nhất là trong việc thanh toán tiền lương cho công nhân lao động.

Theo báo cáo của NHNN, năm 2018, cơ quan này đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt nhiều công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức 3,54%. Mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định trong bối cảnh lãi suất thị trường quốc tế tăng. Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9% đối với ngắn hạn và 9-11% đối với dài hạn. Tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại tệ được bổ sung, giúp ổn định đồng tiền Việt Nam, qua đó giúp nhà đầu tư yên tâm khi đầu tư vào Việt Nam. Năm 2018, toàn hệ thống đã xử lý được gần 150.000 tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của cả hệ thống là 1,89%.

Về đảm bảo nhu cầu tiền mặt dịp cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên Đán 2019, NHNN cho biết đã có phương án cung ứng và thực hiện điều chuyển tiền từ Trung ương đến NHNN các địa phương, kịp thời đáp ứng nhu cầu đột xuất, bất thường. Cùng với đó là chỉ đạo các NHTM đảm bảo an toàn, tiếp quỹ để thông suốt các giao dịch ATM. /.