Đối thoại với các doanh nghiệp tư nhân tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân lần thứ 2/2017 diễn ra sáng 31/7, trước gần 1.000 doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn để giảm chi phí cho doanh nghiệp. Đây là vấn đề rất quan trọng mà Chính phủ đã nhận ra để hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp tốt hơn nữa.
Thủ tướng gặp gỡ, trò chuyện với các đại biểu quốc tế tại Diễn đàn. |
Diễn đàn cũng lần đầu tiên khảo sát chỉ số niềm tin của doanh nghiệp với nhiều câu hỏi khác nhau. Trong khảo sát đầu tiên về 3 mục tiêu quan trọng của Chính phủ là liêm chính, kiến tạo, hành động, thì kết quả là 65% doanh nghiệp tại diễn đàn chọn mong muốn Chính phủ hành động hơn nữa.
Chủ trì đối thoại với các doanh nghiệp, với tinh thần cầu thị, lắng nghe để thực hiện Chính phủ hành động, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đối thoại và giao lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cùng giải đáp. Trọng tâm thảo luận là về lĩnh vực nông nghiệp, du lịch và kinh tế số. Ngoài ra, Diễn đàn cũng thảo luận về vấn đề thuận lợi hóa thương mại. Những vấn đề cụ thể như chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp còn cao; môi trường đầu tư kinh doanh vẫn còn những vấn đề khiến dòng tiền lớn “chảy” ra nước ngoài mua nhà; vấn đề thực hiện một cửa quốc gia; những tồn tại khiến du lịch chưa đóng góp tương xứng vào tăng trưởng; hay những rào cản khiến nông nghiệp chưa phát triển mạnh mẽ… đều được giải đáp ngay tại diễn đàn.
Về vấn đề chi phí hoạt động của doanh nghiệp còn cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Chúng tôi nhận thức rõ rằng còn nhiều vấn đề bất cập trong các chi phí đối với doanh nghiệp mà tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân quý vị đã nêu. Ví dụ như chi phí bến bãi, lãi vay ngân hàng, một số chi phí không chính thức, chi phí về giao thông, đặc biệt về giao thông vận tải, trong đó có chi phí logistic. Nhận thức vấn đề này Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn để giảm chi phí. Đây là vấn đề rất quan trọng mà Chính phủ đã nhận ra để hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp tốt hơn nữa”.
Với đánh giá như vậy, Thủ tướng cho biết đã chỉ đạo NHNN có biện pháp hạ lãi suất, và bước đầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố giảm lãi suất tối thiểu là 0,5%. Các loại chi phí khác tiếp tục được rà soát để có biện pháp giảm hơn nữa, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thành công hơn.
Để tăng cường đối thoại chính sách với Chính phủ và các cơ quan chức năng, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) đề xuất cần phải có tổ chức riêng đại diện cho kinh tế tư nhân, để chia sẻ, kết nối, đối thoại với Chính phủ.
Thủ tướng gõ búa thể hiện sự đoàn kết, thống nhất của Diễn đàn |
Giải đáp vấn đề lượng tiền lớn từ trong nước chảy ra nước ngoài mua nhà, lý do có thể do lãi suất USD của Việt Nam là 0%, nên Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng cần quan tâm để có chính sách thu hút nguồn lực trong dân, đồng thời nghiên cứu một chiến lược đảo chiều dòng tiền nhằm tăng nguồn lực đầu tư.
Nhấn mạnh về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đang tiếp tục được cải thiện và ngày càng thuận lợi hơn, Thủ tướng khẳng định, kinh tế tư nhân được đầu tư vào tất cả lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
“Kinh tế tư nhân được đầu tư vào tất cả các lĩnh vực pháp luật không cấm và Nhà nước không làm như các nhà máy điện, bệnh viện, trường học và các lĩnh vực quan trọng khác. Trước đây chúng ta giới hạn đầu tư, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, chúng ta mở ra chương trình đầu tư mới cho tư nhân trong tất cả các lĩnh vực quan trọng mà đất nước đang thiếu vốn, đang kêu gọi phát triển. Mong các bạn sẽ hưởng ứng chủ trương này để tư nhân Việt Nam đóng góp ít nhất 50% GDP và tiến tới 60% GDP”, Thủ tướng nêu rõ.
Trước khi kết thúc phần đối thoại, theo khảo sát ngay tại Diễn đàn, 48% doanh nghiệp tư nhân tin rằng 50% kiến nghị nêu tại diễn đàn sẽ được thực hiện.
Phát biểu sau khi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những kết quả khảo sát niềm tin của doanh nhân đã cho thấy những tín hiệu khả quan về môi trường đầu tư đang dần được cải thiện rõ nét. Thủ tướng nêu rõ, cùng với nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo và hành động thì tư nhân cũng phải đổi mới, bỏ cách làm ăn kiểu cũ, dập khuôn, thiếu chuẩn mực. Thay vào đó là không ngừng thay đổi, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Doanh nghiệp nên đặt tầm nhìn xa hơn ra thế giới, từ đó tập trung sản xuất hoạt động trong các lĩnh vực mà thế giới có nhu cầu lớn và thường xuyên, như nông nghiệp, thực phẩm, hàng tiêu dùng, du lịch… thay vì tình trạng hiện nay chỉ chú trọng phục vụ các doanh nghiệp lớn khác của Việt Nam dưới dạng nhà cung cấp hoặc nhà thầu phụ với giá trị gia tăng thấp. Mạnh dạn hợp tác quốc tế hơn nữa, tránh tình trạng tự ti về kinh nghiệm, quy mô, nguồn vốn mà không dám hợp tác cởi mở, công bằng với các công ty toàn cầu về các phương diện như mua bán, chuyển giao công nghệ, hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm ra thị trường nước ngoài…”.
Để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ cam kết liên tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng bình đẳng, minh bạch, an toàn và thân thiện, tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thuận lợi. Nghiên cứu, rà soát, ban hành những chính sách phù hợp để tạo động lực mới cho doanh nghiệp tư nhân; rà soát xây dựng, ban hành và điều chỉnh chính sách thuế cho phù hợp.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành cần lắng nghe và đối thoại định kỳ tại các diễn đàn với các doanh nghiệp khu vực tư nhân Việt Nam, giải quyết kịp thời những vướng mắc cấp bách, có lộ trình xử lý các vấn đề dài hạn, luôn đồng hành giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.
Phải có cả tâm lẫn tài, tâm thôi không đủ mà phải nâng cao năng lực để bắt nhịp và thích ứng với đòi hỏi của tư nhân. Cung cách quản lý phải đi kịp sự phát triển, nhất là trong thời đại cuộc cách mạng 4.0. Trước hết thể chế, chính sách phải phù hợp, thay đổi kịp thời hơn.
Thủ tướng đề nghị: “Với ngành ngân hàng, cần nhận thức việc khó khăn tiếp cận nguồn vốn có phần trách nhiệm của mình. Các doanh nghiệp làm ăn được mới có dòng tiền về ngân hàng. Hơn lúc nào hết, ngành ngân hàng cần hiểu rõ, hiểu thấu đáo các quy trình sản xuất, khó khăn, thách thức đối với doanh nghiệp. Cần phải tư duy theo hướng này và cụ thể hóa bằng những cơ chế cho vay linh hoạt”./.
Chân dung tân Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ