Dự và phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần nhìn ra khía cạnh kinh tế với những tiềm năng cần được đánh thức trong từng tấm thổ cẩm mà đồng bào ta đã cần cù làm ra với tất cả niềm tự hào thiêng liêng về bản sắc văn hóa, những nét đặc trưng riêng được chuyển tải bằng những chất liệu thổ cẩm.
Lễ hội có sự tham dự của lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương; một số đơn vị nghệ thuật của một số nước trong khu vực, các đoàn nghệ nhân của Đắk Nông và Tây Nguyên. Lễ hội còn có sự tham dự của hai hoa hậu nổi tiếng là H’Hen Nie và Ngọc Hân. Hoa hậu Ngọc Hân là đại sứ của chương trình.
Trong khuôn khổ Lễ hội còn có triển lãm không gian văn hóa thổ cẩm Việt Nam tại tỉnh Đắk Nông, không gian thực nghiệm dệt thổ cẩm các dân tộc Việt Nam, không gian Văn hóa ẩm thực các dân tộc Việt Nam, không gian phục dựng nghi lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, biểu diễn nghệ thuật truyền thống các dân tộc, triển lãm Công viên địa chất Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sản phẩm thổ cẩm được sáng tạo từ ngàn xưa trong quá trình lao động, ẩn chứa trong đó ngôn ngữ, thông điệp riêng, thể hiện bản sắc văn hóa, nét thẩm mỹ của từng dân tộc. Thổ cẩm không chỉ được dùng làm trang phục, mà còn là sản phẩm văn hóa tộc người, là quan điểm về thế giới quan, nhân sinh quan, là các giá trị về phong tục, tập quán.
Nhắc lại Nghị quyết số 6 tại Hội nghị Trung ương 4, BCH Trung ương Đảng khóa XII đã khẳng định, xây dựng văn hóa trong kinh tế, khai thác hiệu quả khía cạnh kinh tế của văn hóa, nâng cao giá trị văn hóa trong các sản phẩm mang đặc trưng, đặc sắc của mỗi địa phương.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tích hợp khía cạnh văn hóa trong các sản phẩm thổ cẩm, gắn với từng vùng miền, từng cộng đồng vào chiến lược phát triển du lịch. Đặc biệt là các mô hình du lịch văn hóa cộng đồng, trải nghiệm miền núi từ Tây Bắc, Đông Bắc đến Tây nguyên. Hãy để mỗi một tấm thổ cẩm dệt ra đều hàm chứa những câu chuyện đặc sắc về lịch sử, về bản sắc văn hóa, về niềm tin và các giá trị thẩm mỹ đã làm nên sự đa dạng về văn hóa của 54 dân tộc anh em.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tấn báo chí từ trung ương đến địa phương phải góp phần xây dựng chiến lược truyền thông và định vị sản phẩm thổ cảm Việt Nam; những nét khác biệt độc đáo, những giá trị đặc sắc văn hóa cần được chuyển tải một cách sâu lắng và hiệu quả đến người dân, đến du khách trong nước và bạn bè du khách quốc tế.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Làm sao từ nay, một trong những quà tặng của Thủ tướng và các vị lãnh đạo đối với các nhà lãnh đạo quốc tế trong các chuyến công du chính là sản phẩm thổ cẩm của đồng bào ta, trong đó có đồng bào Đắk Nông làm ra”.
Cho rằng, cần tạo ra sự tương tác mạnh mẽ hơn nữa giữa sản phẩm thổ cẩm với các sản phẩm văn hóa khác, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ sẽ nghiên cứu các cơ chế, chính sách, nhằm nâng cao hơn nữa các giá trị bảo tồn, phát triển triển các giá trị bảo tồn, truyền thống đích thực của thổ cẩm.
"Chính phủ kêu gọi tinh thần khởi nghiệp trong đồng bào, đặc biệt là thanh niên, trong mục tiêu đánh thức mọi tiềm năng sản xuất kinh doanh thổ cẩm. Nếu Việt Nam chúng ta không có những doanh nghiệp sản xuất ra sản phẩm thổ cẩm mạnh, có năng lực quản trị, trình độ công nghệ và tư duy thị trường tiên tiến, thì sản phẩm thổ cẩm của chúng ta khó có chỗ đứng trong nước và càng ít có khả năng được thị trường nước ngoài biết đến", Thủ tướng nói.
Bên cạnh những giá trị văn hóa đặc sắc, Thủ tướng nhấn mạnh, chính thổ cẩm cũng góp phần làm nên tình đoàn kết, sự đa dạng về bản sắc văn hóa và lịch sử của 54 dân tộc anh em. Thổ cẩm Việt Nam cũng là cầu nối văn hóa với bạn bè quốc tế.
Nhấn mạnh, mỗi tấm thổ cẩm bán được còn là sinh kế của rất nhiều người, Thủ tướng mong muốn xã hội cùng chung tay đưa thổ cẩm Việt Nam đến rộng rãi với người dân hơn nữa, tiếp cận các du khách, đặc biệt là du khách quốc tế, đến những nhà thiết kế lớn và show diễn thời trang trong nước và quốc tế. Cùng với đó là đẩy mạnh quảng bá thổ cẩm Việt Nam ra thế giới, gửi gắm trong mỗi tấm thổ cẩm là sứ giả văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam.
Văn hóa Việt Nam, cội nguồn sức mạnh của dân tộc, là sức mạnh nội sinh, nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Do đó, Thủ tướng cho rằng, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc là một nhiệm vụ then chốt trong chiến lược phát triển văn hóa.
Trong đó, Thủ tướng đề nghị cần tập trung gìn giữ để tôn vinh các giá trị văn hóa thổ cẩm Việt Nam, tri ân công lao của các nghệ nhân qua các thế hệ có công sáng tạo, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm để trở thành những bản sắc văn hóa đặc trưng của từng dân tộc trên mọi miền Tổ quốc./.