Trong khuôn khổ phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2016, chiều 1/8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến vào một số Dự án Luật, trong đó có đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh.

vov_thu_tuong_10_solf.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ
Theo Bộ Tư pháp, đơn vị đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về đầu tư, kinh doanh, trong thời gian qua, quá trình thi hành Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và các luật khác có liên quan điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Bên cạnh đó, có một số quy định chưa thống nhất giữa các luật. Do đó, cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung. 

Mục tiêu của Dự án Luật là tiếp tục cắt giảm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý nhằm tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân và doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm thực hiện đầy đủ, nhất quán quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp trong những ngành, nghề mà Luật không cấm.

Dự án Luật cũng nhằm tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất nhằm đảm bảo tính liên thông, đồng bộ giữa thủ tục đầu tư với thủ tục về đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường và các thủ tục có liên quan khác...; đổi mới phương thức quản lý các hoạt động đầu tư, kinh doanh theo hướng chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Dự án Luật này được xây dựng trên cơ sở quán triệt đầy đủ định hướng, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp theo Nghị quyết số 19 và Nghị quyết số 35 của Chính phủ.

Theo đó, Dự án Luật này dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của nhiều Luật hiện hành, bao gồm: Luật Đầu tư; Luật Doanh nghiệp; Luật Đất đai; Luật Xây dựng; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Phòng cháy, chữa cháy; Luật Quản lý thuế; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật Quy hoạch đô thị; Luật Quảng cáo và Luật Nhà ở.

Sau khi các thành viên có ý kiến góp ý vào Dự án Luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, tinh thần của Luật này sau khi sửa đổi, bổ sung là phải kiên quyết xóa bỏ các rào cản, tạo động lực cho cộng đồng DN đầu tư kinh doanh.

“Tôi đồng ý với các đồng chí phải giữ quản lý Nhà nước, không buông lỏng quản lý Nhà nước, nhưng tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi là quan trọng nhất và quản lý theo quy luật thị trường. Nhà nước quản lý về chất lượng môi trường, quốc phòng an ninh, thuế khóa, an toàn lao động, quy hoạch… Dự án Luật này liên quan đến 10 Luật và các Luật khác, nhưng tinh thần là tập trung vào Luật đầu tư kinh doanh là chính” Thủ tướng nói và nhấn mạnh phải cải cách thủ tục hành chính.

Phiên họp thường kỳ tháng 7 của Chính phủ

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lắng nghe, tiếp nhận ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân bằng nhiều biện pháp để hoàn thiện Dự án Luật trình Chính phủ để có thể thông qua dự thảo Luật này vào cuối năm 2016. Việc để quá lâu không thông qua, có thể ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, tác động đến tăng trưởng.  

Cũng trong chiều nay, các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến vào Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Dự án Luật quy hoạch; đề xuất sửa đổi, bổ sung một số Nghị định của Chính phủ./.