Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng; lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương. 

Báo cáo của Tỉnh ủy Vĩnh Long tại buổi làm việc cho biết, năm qua, dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là do dịch COVID-19 nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Vĩnh Long đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, đạt kết quả quan trọng, khá toàn diện.

Theo đó, kinh tế của tỉnh phục hồi tốt, GRDP năm 2022 ước tăng 8,2%. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 25%, các nhóm ngành có sự phục hồi nhanh như công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 30,79%, sản xuất, phân phối điện, khí đốt tăng 12,64%. Xuất khẩu 10 tháng đạt trên 634 triệu USD, ước cả năm đạt 793 triệu USD, tăng 38%. Tổng vốn đầu tư phát triển 16.218 tỷ đồng, tăng 10,5%, vốn FDI thực hiện đạt 18,7 triệu USD, tăng 9%; có 450 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 45% và 91 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

Tỉnh Vĩnh Long đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương một số nội dung liên quan đầu tư kết cấu hạ tầng như: hỗ trợ xây dựng cầu Đình Khao, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa tỉnh; các dự án giao thông.

Tại buổi làm việc lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương phát biểu đánh giá những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Vĩnh Long; làm rõ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; góp ý các giải pháp để Vĩnh Long phát triển nhanh, bền vững; đồng thời phát biểu giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh...

Phát biểu kết luận phiên họp Thủ tướng đã phân tích tiềm năng thế mạnh, những tồn tại hạn chế, trên cơ sở đó Thủ tướng đã chỉ rõ quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Theo đó Thủ tướng yêu cầu, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 13-NQ/TW về phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL; Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh. Vận dụng, thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tận dụng tối đa những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Chú trọng phát triển hài hòa kinh tế, văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, tỉnh Vĩnh Long cần phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, đi lên từ bàn tay, khối óc, lợi thế thiên nhiên đất, trời của mình, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Trong quá trình phát triển phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Chú trọng sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm, phát huy mô hình hay, cách làm hiệu quả để tiếp tục nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và phân bổ nguồn lực. Khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Về các kiến nghị của tỉnh Vĩnh Long, trên cơ sở các ý kiến của lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng cơ bản nhất trí với việc giải quyết các kiến nghị của tỉnh, trên nguyên tắc đảm bảo đúng các quy định của pháp luật; tạo cơ chế khơi thông, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển. Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành để phối hợp, giải quyết theo thẩm quyền các đề xuất, kiến nghị của tỉnh.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra công trường xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và tặng quà cho công nhân tại công trường, Thủ tướng Chính phủ biểu dương các đơn vị thi công có sáng kiến cải tiến cách làm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án. Thủ tướng cũng yêu cầu chính quyền địa phương, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị tư vấn, giám sát phối hợp chặt chẽ, hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng dự án, tiết kiệm nhất có thể; tránh lãng phí, tiêu cực; phối hợp triển khai đồng bộ, hiệu quả mọi phần việc liên quan dự án; tiếp tục quan tâm công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân lao động trên công trường.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát khu vực dự kiến xây dựng cầu Đình Khao trên sông Cổ Chiên nối tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre nhằm thay thế phà Đình Khao. Thủ tướng cho rằng, việc xây dựng cầu Đình Khao là cần thiết, giúp giải tỏa nút thắt trên QL57 góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội của hai tỉnh, trong đó có việc giải quyết đầu ra cho hàng hóa, nông sản, vừa giải quyết việc làm cho người dân.

Thủ tướng đề nghị lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất để có cây cầu với quy mô phù hợp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội lâu dài.

Cũng trong chiều 23/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính khảo sát làng gạch gốm Mang Thít bên kênh Thầy Cai đoạn qua xã Mỹ Phước, huyện Mang Thít. Đây là làng gạch gốm nổi tiếng lâu đời, có thời điểm tại đây có hàng trăm lò gốm. Tuy nhiên hiện nay, nhiều lò gốm không còn hoạt động, bị phá bỏ.

Sau khi thăm các gia đình đang sản xuất gạch, gốm và chứng kiến các lò gạch gốm còn đang hoạt động và dừng hoạt động, Thủ tướng đề nghị tỉnh Vĩnh Long và huyện Mang Thít nghiên cứu, vận động bà con cải tiến sản xuất để đảm bảo sinh kế cho người dân song phải giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt, địa phương cần coi đây là di sản cần giữ gìn, phát huy; xây dựng quy hoạch, đầu tư hạ tầng, bảo đảm cảnh quan, đưa khu vực này thành sản phẩm du lịch, vì bản thân mỗi lò gốm này như một công trình kiến trúc, cả quần thể là gạch là quần thể kiến trúc độc đáo./.