Tiếp tục chương trình chuyến thăm chính thức Việt Nam, sáng 21/12, Thủ tướng Campuchia Samdec Hun Sen đã đến tỉnh Đồng Nai, thăm lại di tích lịch sử Đài tưởng niệm Long Giao, biểu tượng của tình đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của quân đội và nhân dân hai nước. 

hun_sen4_vov_dpkt.jpg
Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí.

Gần 40 năm trước, tại xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai, vào ngày 12/5/1978, với sự giúp đỡ nhiệt tình, vô tư của Đảng, Nhà nước, Quân đội Việt Nam và nhân dân tỉnh Đồng Nai, 200 cán bộ, chiến sĩ Campuchia đã tập hợp nhau lại dưới sự chỉ huy của Samdec Hun Sen, lập nên Đoàn 125 – tiền thân của Lực lượng vũ trang đoàn kết cứu nước Campuchia.

Di tích Long Giao là chứng tích cho sự khởi đầu của mọi kế hoạch giải phóng Campuchia, lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot. Lúc đó Thủ tướng Hun Sen mới 27 tuổi. Với sự giúp đỡ của quân đội Việt Nam, ông và các đồng chí đã xây dựng lực lượng, huấn luyện quân đội, sau đó về nước lãnh đạo cuộc cách mạng, giải phóng đất nước và nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng.

Tại Khu di tích Đoàn 125 có một nghĩa trang là nơi yên nghỉ của 49 chiến sĩ đầu tiên của Campuchia. Ngày 21/12, tại di tích lịch sử này, Thủ tướng Hun Sen đã có cuộc trao đổi với báo chí Việt Nam.

PV:  Thưa ngài Thủ tướng, khi thăm lại Di tích lịch sử Long Giao hôm nay, Ngài có cảm nghĩ gì về ngày 7/1/1979 - ngày mà nhân dân Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ?

Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdec Hun Sen: Hôm nay tôi thật xúc động khi đã được trở lại nơi lịch sử gần 39 năm trước. Nơi này, người ta có thể biết được qua bia tưởng niệm những người đã hy sinh từ tháng 1/1978. Vậy nơi này là nơi gì? Tôi có thể khẳng định rằng lực lượng ở nơi đây đã được xây dựng có tới 23 tiểu đoàn và 100 đơn vị lực lượng vũ trang khác. Đây là những bộ phận nòng cốt rất quan trọng đã tham gia vào việc giải phóng đất nước Campuchia ngày 7/1/1979 ra khỏi chế độ diệt chủng của Pol Pot.

Có thể khẳng định rằng, lịch sử của cuộc đấu tranh của chúng tôi bắt đầu từ lực lượng này. Lực lượng nơi đây là lực lượng nòng cốt, quan trọng trong số các lực lượng khác mà đã hợp lực với nhau cùng nhau lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot.

Dịp này, xin cảm ơn quân tình nguyện Việt Nam, Đảng và Chính phủ Việt Nam đã cho chúng tôi địa điểm lịch sử này để xây dựng tiền thân của quân đội Campuchia chống Khmer Đỏ, đồng thời nơi đây còn gìn giữ 49 chiến sỹ đã hy sinh. Tôi không bao giờ bỏ rơi bạn chiến đấu của tôi, chính vì vậy mà tôi đề nghị xin Đảng và chính phủ Việt Nam cho chúng tôi địa điểm này để giữ gìn những hài cốt đồng đội, vì tôi không thể tìm thấy người thân của họ, có khả năng gia đình họ đã bị tàn sát trong chế độ diệt chủng.

Tôi xin nói thêm, nếu không có lực lượng này thì ngày 2/12 cũng không có lực lượng vũ trang Campuchia, và lực lượng này cũng là nòng cốt của Mặt trận đoàn kết cứu quốc Campuchia. Vì vậy tôi có thể nói rằng, chúng ta đã thực hiện vai trò của người Campuchia giải thoát đất nước mình khỏi thảm họa diệt chủng. Chúng ta phải nhớ ơn của Quân đội Việt Nam đã dành cho khu vực này để làm căn cứ chuẩn bị lực lượng, huấn luyện và trở về Campuchia để chiến đấu.

PV:Thưa ngài Thủ tướng, Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng có quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, tình cảm thủy chung son sắt. Mối quan hệ đó có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của hai nước?

Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdec Hun Sen: Trước tiên tôi xin nói rằng khi Việt Nam bắt đầu giúp đỡ Campuchia là thời điểm mà kinh tế Việt Nam còn rất là khó khăn vì mới thống nhất đất nước. Tuy vậy, Việt Nam vẫn giúp chúng tôi xây dựng quân đội và giải phóng đất nước, kể cả việc giúp đỡ hy sinh để cứu đất nước Campuchia ra khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot và đã có hàng chục ngàn chiến sĩ đã hy sinh và bị thương.

Bây giờ đối với đất nước chúng tôi, hai đất nước chúng ta là những nước láng giềng tốt và quan hệ trên mọi lĩnh vực. Đây được xem như là điều đặc biệt của lịch sử đã để lại cho chúng ta cùng sống chúng với nhau, ví “như môi với răng”.

Trở lại mối quan hệ giũa đất nước Campuchia và Việt Nam có thể xem là một mối quan hệ có sự phát triển rất mạnh trong 1 hoặc hai thập niên gần đây, qua sự phát triển quan hệ trên mọi lĩnh vực, cụ thể trong thời gian qua và chuyến thăm của tôi lần này có ý nghĩa rất quan trọng trong việc củng cố quan hệ 2 đất nước, trong đó chú trọng vào việc phát triển kinh tế, xã hội và giảm nghèo.

Trong đó chúng ta thấy rằng Việt Nam là một thị trường lớn, nếu Việt nam có sự phát triển, Việt Nam cũng sẽ trở thành thị trường của Campuchia cũng như bây giờ Campuchia cũng đã xuất khẩu gạo lúa qua Việt Nam. Vì đó là nhu cầu của quan hệ bổ sung qua lại cho nhau.

Đặc biệt hơn nữa, Campuchia đang mua điện của Việt Nam, ngoài ra chúng ta còn có nhiều việc phải hỗ trợ nhau qua lại, vì đó là sự hỗ trợ bổ sung đó là điều cần thiết để tiếp tục củng cố quan hệ giữa hai nước, cả về lĩnh vực chính trị và các lĩnh vực khác mà sẽ mang lại lợi ích cho 2 đất nước chúng ta.

PV: Thưa ngài Thủ tướng, để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới, chúng ta cần phải quan tâm những vấn đề gì?

Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdec Hun Sen: Tôi xin nói rằng quan hệ này rất tốt, nhưng chúng ta cần phải làm cho quan hệ này ngày càng tốt hơn nữa. Trong đó có quan hệ về chính trị giữa Đảng Nhân dân Campuchia và Đảng Cộng sản Việt Nam, giữa Chính phủ của 2 nước, giữa quân đội và nhân dân 2 nước, phải quan tâm giữ gìn vun đắp và làm cho các quan hệ này ngày càng tốt hơn, qua sự phát triển.

Tôi xin nhấn mạnh rằng, dù cho tình hình thế giới và khu vực như thế nào đi nữa, người ta không thể dời Việt Nam đi chỗ khác hoặc dời Camuchia đi nơi khác được đâu, rất cần thiết để chúng ta hợp tác, trong đó hợp tác về chính trị đã mang lại niềm tin giữa 2 nước và thúc đẩy sự phát triển, hợp tác trên mọi lĩnh vực. Tất cả đó đều là những phần rất quan trọng của việc củng cố mối quan hệ giữa hai nước.

Phải quan tâm, chú trọng đối với thanh niên thế hệ sau, cho họ biết được là thanh niên thế hệ trước đã cùng nhau làm những gì vì được độc lập của đất nước Việt Nam và của đất nước Campuchia trong giai đoạn đấu tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tiếp đó là đấu tranh chống lại chế độ diệt chủng Pol Pot.

Vì vậy, bây giờ tôi nghĩ rằng chúng ta phải cho thanh niên thế hệ sau họ tiếp tục công việc của chúng ta qua việc cùng nhau trong phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo và ngăn chặn mọi hành vi gây mất ổn định và chia rẽ giữa hai đất nước.           

PV: Xin cảm ơn Thủ tướng!./.