Sáng 13/8, tại Bắc Giang, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kiểm tra, khảo sát thực địa và làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan về dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc - một trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương.
Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc của Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam-Vinachem) đi vào vận hành từ tháng 4/2015 luôn duy trì công suất ổn định.
Theo báo cáo của Vinachem, năm 2021, Công ty sản xuất đạt 92% công suất với 473.000 tấn ure, doanh thu 4.558 tỷ đồng, lần đầu tiên lãi 6,25 tỷ đồng sau nhiều năm thua lỗ. Năm 2022, Công ty phấn đấu sản xuất khoảng 410.000 tấn ure.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả sản xuất kinh doanh đang có dấu hiệu khởi sắc, thì khoản lỗ lũy kế trong 5 năm qua của Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân cơ bản là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng và chi phí tài chính rất lớn.
Hiện công ty đang vay của các ngân hàng với lãi suất cao và phải chịu lãi phạt (do không trả đúng hạn), dẫn đến lãi chồng lãi. Tính đến ngày 31/12/2021, Công ty nợ hơn 6.4000 tỷ đồng trong khi khoản vay gốc hơn 3.000 tỷ đồng và hơn 112 triệu USD, nếu không có biện pháp tái cơ cấu tài chính cho doanh nghiệp thì Công ty khó có thể lãi bền vững.
Những năm qua, Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã có nhiều nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh, song dự án mở rộng nhà máy vẫn còn nhiều hạn chế, không đạt được mục tiêu đề ra, do công tác xây dựng đề án chưa sát thực tế, nhiều nội dung thiếu khả thi; đã không lường trước, đánh giá được việc cơ cấu vốn, trả nợ, lãi suất vay khiến chi phí tài chính rất lớn đã đẩy dự án vào cảnh khó khăn…
Thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sát sao, quyết liệt việc xử lý các công việc tồn đọng, kéo dài, nhất là những dự án yếu kém.
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, ngày 1/4 vừa qua, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm việc tại Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc về tái cơ cấu doanh nghiệp, xử lý tình trạng thua lỗ tại Công ty.
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, những hạn chế của dự án do nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chính, do những vi phạm trong quá trình phê duyệt, thẩm định, quyết định đầu tư, khiến tổng mức đầu tư lớn, không phù hợp ở thời điểm đó, khiến suất đầu tư, chi phí đầu vào cao, giá thành cao, khả năng cạnh tranh thấp khi thị trường biến động, dẫn tới không hiệu quả, chậm trả nợ, nợ chồng nợ.
Qua khảo sát và lắng nghe báo cáo, Thủ tướng nêu rõ một số vấn đề nổi lên cần giải quyết gồm: Tranh chấp hợp đồng EPC; vướng mắc, khó khăn về tài chính, chi phí đầu vào cao nên sức cạnh tranh thấp, sản phẩm khó tiêu thụ; vấn đề môi trường phức tạp, nghiêm trọng cả về chất thải rắn, nước thải, khí thải; nhiều thiết bị hỏng hóc, xuống cấp, rỉ sét; quan điểm xử lý và sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan liên quan chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả; Công ty chưa có quyết tâm đổi mới, cải cách hoạt động vì một nhà máy xanh, sạch, đẹp, hoạt động đúng quy trình vận hành; sự liên hệ vận hành giữa hai nhà máy có nhiều điểm bất cập, không đồng bộ.
Để giải quyết các vấn đề này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải nâng cao trách nhiệm, "tính chiến đấu" với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; đơn cử, nếu thấy nước thải, rác thải, khí thải trong nhà máy như vậy thì cơ quan chức năng phải kiểm tra, khuyến cáo, tiến hành các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật.Thủ tướng giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan, rút kinh nghiệm từ các dự án yếu kém đã được xử lý, hoàn thiện đề án xử lý dự án theo kết luận của Bộ Chính trị, các chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, bảo đảm phù hợp, khả thi, hiệu quả; đưa các phương án cụ thể và đánh giá tác động của từng phương án; hoàn thành đề án trong tháng 8/2022.Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu giữ lại nhà máy nhưng quyết tâm tái cơ cấu lại với các giải pháp như cải tiến quy trình sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, đa dạng hoá sản phẩm…, đưa nhà máy cạnh tranh tốt hơn, phát triển ổn định, bền vững, xanh, sạch. Cơ sở của phương án này là dự án đã quyết toán một phần lớn, nhà máy đã vận hành và có thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước.Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và tỉnh Bắc Giang vào cuộc để nhà máy khẩn trương nhanh chóng khắc phục các vấn đề về môi trường để bảo đảm an toàn cho công nhân trong nhà máy và người dân trong khu vực.
Đồng thời, giải quyết dứt điểm những vấn đề bất cập trong liên hệ vận hành giữa nhà máy cũ và nhà máy mới; nếu cần thiết thì gìn giữ những di tích, kỷ vật của nhà máy cũ một cách phù hợp.Nhà máy có 1.300 người lao động, hàng nghìn hộ dân cũng có sinh kế liên quan tới nhà máy. Do đó, cần nâng cao năng suất lao động, bảo đảm việc làm và thu nhập hợp lý cho người công nhân.Tỉnh Bắc Giang và các bộ, ngành phối hợp, giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền của tỉnh; việc tranh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề theo tinh thần "rõ tới đâu làm tới đó".Thủ tướng cho rằng, Đạm Hà Bắc là nhà máy có truyền thống lịch sử lâu đời, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ chiến tranh. Do đó, việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà máy còn góp phần phát triển ngành công nghiệp hóa chất, cung cấp sản phẩm phục vụ phát triển nền nông nghiệp và nhiều ngành khác, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và tiếp tục xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ./.