Chiều 7/9, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28-29 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự các Hội nghị Cấp cao ASEAN+1 với Hàn Quốc, Australia và Liên Hợp quốc, Cấp cao ASEAN+3 và Cấp cao Mekong-Nhật Bản.

Trong trao đổi, các đối tác đều đánh giá cao vai trò của ASEAN và đề xuất các biện pháp tăng cường hợp tác với ASEAN trên nhiều lĩnh vực.

Các nước ASEAN đề nghị các đối tác phát huy hơn nữa hiệu quả của các cơ chế đang có, hỗ trợ nguồn lực, kinh nghiệm, nâng cao năng lực, thu hẹp khoảng cách phát triển, cùng hợp tác đối phó với các thách thức xuyên quốc gia, đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

vov_tt1111_etkj.jpg
Lãnh đạo các nước ASEAN và Hàn Quốc

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc, hai bên hoan nghênh các kết quả bước đầu triển khai Kế hoạch Hành động ASEAN-Hàn Quốc 2016-2020.

Hàn Quốc tiếp tục là một trong những đối tác thương mại và đầu tư quan trọng của ASEAN, với tổng giá trị thương mại hai chiều năm 2015 đạt hơn 122 tỷ USD và đầu tư FDI từ Hàn Quốc vào ASEAN đạt gần 6 tỷ USD.

Hai bên nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Hàn Quốc, phát huy các thế mạnh và tiềm năng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, hướng tới mục tiêu thương mại hai chiều đạt 200 tỷ USD vào năm 2020.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye thông báo Ngôi nhà Văn hóa ASEAN sẽ chính thức đi vào hoạt động vào năm 2017 tại Busan, Hàn Quốc nhằm góp phần tăng cường sự hiểu biết, giao lưu văn hóa ASEAN-Hàn Quốc.

Các Lãnh đạo nhất trí lấy năm 2017 là năm hợp tác văn hóa ASEAN-Hàn Quốc, đánh giá cao việc thành lập Trung tâm Sáng tạo ASEAN-Hàn Quốc.

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực như kết nối cơ sở hạ tầng, hợp tác rừng, phát triển các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân, hợp tác giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3, các Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của cơ chế hợp tác giữa ASEAN với Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc đối với sự ổn định và phát triển ở khu vực Đông Á.

Ra đời nhằm hỗ trợ các nước ứng phó với khủng hoảng tài chính năm 1997, cơ chế ASEAN+3 ngày càng phát huy vai trò trong thúc đẩy hợp tác và liên kết khu vực.

Hội nghị đánh giá cao kết quả triển khai Kế hoạch Công tác ASEAN+3 giai đoạn 2013-2017 và nhất trí đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, tài chính, tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác phát triển thị trường trái phiếu ở khu vực, an ninh năng lượng và lương thực, giao lưu văn hóa, giáo dục, du lịch.

Hướng tới kỷ niệm 20 năm hình thành khuôn khổ hợp tác ASEAN+3 (1997-2017), các Lãnh đạo nhất trí tổ chức các hoạt động kỷ niệm thiết thực, có ý nghĩa, hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng.

Đáng chú ý, Nhật Bản khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ ASEAN phát triển hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hàn Quốc chú trọng hợp tác văn hóa, giao lưu nhân dân. Trung Quốc cho biết sẽ ưu tiên, coi ASEAN là thị trường du lịch trọng điểm, tiếp tục nhập khẩu gạo từ các nước Đông Nam Á.

Kết thúc Hội nghị, các Lãnh đạo thông qua 2 Tuyên bố về Hợp tác phát triển bền vững và Tuyên bố về Tuổi già năng động.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Australia định kỳ lần thứ nhất, hai bên đánh giá cao những kết quả đạt được kể từ khi ASEAN và Australia nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược năm 2014.

Australia là đối tác thương mại lớn thứ 8 của ASEAN và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Australia với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 51 tỷ USD trong năm 2015.

Các Lãnh đạo ASEAN đánh giá cao hỗ trợ của Australia về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, trong đó có cam kết dành hơn 100 triệu dollar Úc trong vòng 5 năm cho Kế hoạch Colombo mới nhằm tăng cường hợp tác giáo dục và giao lưu nhân dân và chương trình "Đầu tư cho phụ nữ" trị giá 46 triệu dollar Úc.

Hai bên cũng nhất trí tiếp tục ưu tiên thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, phát triển bền vững, giao lưu nhân dân cũng như hợp tác xử lý các thách thức phi truyền thống như khủng bố, biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh hàng hải.

Kết thúc Hội nghị, các Lãnh đạo ASEAN và Australia thông qua Tuyên bố chung về hợp tác chống khủng bố quốc tế.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Liên Hợp quốc, hai bên thông qua Kế hoạch Hành động giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch dài hạn đầu tiên cho hợp tác ASEAN-Liên Hợp quốc với nhiều nội dung quan trọng như gắn kết triển khai Tầm nhìn ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc về Phát triển bền vững, hợp tác về gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện hệ thống y tế, giáo dục, thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý thiên tai, quyền phụ nữ và trẻ em, thúc đẩy các giá trị và chuẩn mực quốc tế.

Hai bên cam kết triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động này nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác hai bên hiệu quả và thực chất hơn.

Liên Hợp quốc cũng cam kết đẩy mạnh hỗ trợ các nước ASEAN thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, chia sẻ kinh nghiệm về đổi mới cơ cấu kinh tế và mô hình phát triển. 

Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, Lãnh đạo các nước ASEAN và đối tác nhất trí cần tăng cường hơn nữa các nỗ lực hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

Các nước nhấn mạnh nhu cầu hợp tác nhằm ứng phó với các thảm họa thiên tai, biến đổi khí hậu cũng như nguy cơ khủng bố lan rộng ở khu vực, nạn buôn bán người và các thách thức an ninh biển.

Trước các diễn biến gần đây trên Bán đảo Triều Tiên, nhất là các vụ thử tên lửa, các nhà Lãnh đạo kêu gọi các bên kiềm chế, thúc đẩy đối thoại để duy trì hòa bình, ổn định, tiến tới phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Các nhà Lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thực hiện kiềm chế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp, giải quyết các vấn đề đặt ra dựa vào luật pháp và Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) ở Biển Đông.

Phát biểu tại các Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với các đối tác, đánh giá cao cam kết của các đối tác tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm ở khu vực, và đề nghị các đối tác tiếp tục tăng cường hợp tác với ASEAN tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên và phát huy được thế mạnh của mỗi bên.

Về quan hệ ASEAN-Hàn Quốc, Thủ tướng đề nghị thực hiện hiệu quả Kế hoạch hành động 2016-2020 với trọng tâm là đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, tăng cường kết nối khu vực cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm; mong muốn Hàn Quốc tiếp tục ủng hộ ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển và tiếp tục thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác cùng quan tâm như tăng trưởng xanh, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước, công nghệ thông tin, an ninh lương thực, ứng phó hiệu quả với những thách thức phi truyền thống. 

Để thúc đẩy hợp tác ASEAN+3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hợp tác về kinh tế, tài chính, kết nối, hội nhập kinh tế khu vực, phát triển các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tăng cường hợp tác để phát triển bền vững, nhất là về năng lượng tái tạo, phát triển xanh, nông nghiệp, an ninh lương thực, ứng phó với biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia.

Thủ tướng ủng hộ các nỗ lực hợp tác du lịch và giao lưu văn hóa – nhân dân, qua đó không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn tăng cường lòng tin, sự hiểu biết và gắn bó giữa nhân dân các nước.

Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Australia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật ưu tiên đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, phấn đấu nâng cao đáng kể kim ngạch thương mại và đầu tư giữa hai bên; thúc đẩy hợp tác về kết nối, nhất là về cơ sở hạ tầng; đẩy mạnh hợp tác giáo dục - đào tạo là lĩnh vực mà Australia có thể mạnh và ASEAN có nhu cầu lớn trong quá trình xây dựng Cộng đồng; và tăng cường hợp tác nhằm ứng phó với những thách thức xuyên quốc gia, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu và an ninh nguồn nước sông Mekong.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của Liên Hợp quốc, tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới, có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng và công bằng hơn; cho rằng hợp tác ASEAN-Liên Hợp quốc có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực.

Thủ tướng đề nghị hai bên cùng phối hợp triển khai các mục tiêu đề ra trong Tầm nhìn ASEAN 2025 và Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững; đồng thời đề nghị Liên Hợp quốc quan tâm hỗ trợ tăng cường năng lực cho ASEAN thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết COP 21, quản lý thiên tai cũng như thúc đẩy các bên xây dựng lòng tin và tiến hành ngoại giao phòng ngừa, ngăn ngừa và quản lý xung đột ở khu vực.

Tại các Hội nghị, Thủ tướng cũng chia sẻ quan điểm, lập trường của Việt Nam về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Về Bán đảo Triều Tiên, Thủ tướng bày tỏ quan ngại trước những diễn biến phức tạp và sự gia tăng căng thẳng gần đây, đồng thời khẳng định lại lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình, kêu gọi các bên liên quan thực hiện kiềm chế và nghiêm túc tuân thủ các Nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Về Biển Đông, bày tỏ Việt Nam chia sẻ lo ngại sâu sắc của khu vực và quốc tế về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, gây những hệ lụy đối với môi trường hòa bình, an ninh cũng như đối với tự do hàng hải, hàng không khu vực, Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam ủng hộ những nỗ lực thúc đẩy tình hình ở Biển Đông chuyển biến theo hướng có lợi cho hòa bình, hợp tác và phát triển, mong các đối tác tiếp tục đóng góp tích cực cho việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, thúc đẩy các bên tự kiềm chế, không tiến hành các hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, tuân thủ các nguyên tắc và thủ tục của Công ước Luật biển 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, ủng hộ ASEAN và Trung Quốc thực hiện hiệu quả DOC và sớm hoàn thành COC./.