Cùng dự có Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Khoa học Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, các thành viên Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ và lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ.

Vùng Đông Nam Bộ gồm thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh là Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh; là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm. Diện tích chiếm 7,1% và dân số chiếm 18,9% nhưng Đông Nam Bộ đã đóng góp 31% GDP, 38% tổng thu NSNN và 32% kim ngạch xuất khẩu cả nước.  Vùng Đông Nam Bộ tuy "diện tích nhỏ nhưng đóng góp lớn".

Hội nghị đã tập trung bàn về việc tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được ban hành tại Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 04/5/2024.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và cùng rà soát các công việc, nhiệm vụ ưu tiên triển khai thực hiện quy hoạch, đánh giá khó khăn, thách thức, vướng mắc để xác định phương hướng, giải pháp khắc phục, triển khai hiệu quả Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ với mục tiêu đưa KTXH vùng Đông Nam Bộ tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện, chất lượng và bền vững.

Trên cơ sở đó làm sâu sắc hơn các giải pháp phát triển của quy hoạch và đề xuất các giải pháp mang tính đột phá, các cơ chế, chính sách đặc thù cần sớm thí điểm triển khai.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc hoàn tất phê duyệt quy hoạch vùng Đông Nam Bộ trong thời điểm này có ý nghĩa quan trọng chín muồi để: Cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu tại Nghị quyết phát triển vùng và quy hoạch cấp quốc gia vào vùng; Cụ thể hóa việc bố trí không gian phát triển các ngành quốc gia trên địa bàn; Triển khai các dự án mang tính kết nối quan trọng giữa các tỉnh trong vùng, liên vùng và liên ngành; Đẩy nhanh thực hiện các đột phá chiến lược nhằm phát huy tối đa lợi thế so sánh về vị trí địa kinh tế của vùng, thúc đẩy phát triển KTXH của cả vùng và các vùng lân cận.

Kết quả phát triển KTXH thời gian vừa qua đã khẳng định rõ nét hơn vị trí, vai trò quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, là vùng kinh tế năng động, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo và phát triển, và là vùng đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước.

Thủ tướng nhấn mạnh, vùng Đông Nam Bộ cần phải tăng tốc, đột phá, tiên phong, liên kết chặt chẽ, thực chất và hiệu quả. Trong đó, cơ chế chính sách phải thông thoáng đổi mới hiện đại, hạ tầng chiến lược phải tiến nhanh lên hiện đại, quản trị phải thông minh phù hợp với xu thế phát triển mới. Đi đôi với đó phát triển ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, làm mới các động lực cũ là đầu tư xuất khẩu tiêu dùng và tập trung cho các động lực mơi là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Cùng với đó là đẩy mạnh đồng bộ 3 đột phá chiến lược là đột phá về hạ tầng, nguồn nhân lực, nhất là đột phá về thể chế. Nguồn lực thực hiện bao gồm cả nguồn lực trung ương, địa phương, xã hội, nguồn lực hợp tác công tư, và các nguồn lực khác để lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư để dẫn dắt và phát triển.

Để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện quy hoạch vùng thời gian tới nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, phát triển Đông Nam Bộ trở thành trung tâm kinh tế năng động của cả nước và khu vực, Thủ tướng yêu cầu, bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, ngành, lĩnh vực, vùng, địa phương; bám sát tình hình thực tiễn của vùng, địa phương, khu vực, thế giới, nhất là tiềm năng, thế mạnh của vùng và liên vùng; không cầu toàn, không nóng vội; việc gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, được đa số đồng tình thì đưa vào quy hoạch; bám sát nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

Phải lấy đặt con người là trung tâm, chủ thể và nguồn lực, động lực; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; xác định nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ doanh nghiệp và nhân dân; phù hợp với xu thế phát triển của các ngành, lĩnh vực, đất nước, thế giới.

Tìm ra và thúc đẩy phát triển tiềm năng khác biệt, nổi trội, cơ hội, lợi thế cạnh tranh, thu hút, khai thác hiệu quả nguồn lực cho phát triển nhanh, bền vững; phát hiện những mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế, thách thức… để đưa ra giải pháp hóa giải, xoay chuyển tình thế; Huy động mọi nguồn lực thực hiện Nhà nước, xã hội, hợp tác công tư…; tổ chức thực hiện khoa học, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm; không cầu toàn, không nóng vội, làm việc gì dứt việc nấy.

Nâng cao hiệu quả công tác điều phối, phát triển và liên kết vùng, trong đó: Xây dựng thể chế liên kết và phát triển vùng; lấy quy hoạch vùng làm cơ sở để điều phối các hoạt động; phát huy vai trò của chính quyền Trung ương cũng như của các địa phương trong Vùng; xây dựng bộ máy điều phối vùng có đủ thẩm quyền, năng lực và nguồn lực để thực hiện hiệu quả vai trò chỉ đạo, điều phối trong việc giải quyết các vấn đề liên vùng cũng như giữa các địa phương trong vùng, nhất là trong phát triển cơ sở hạ tầng vùng, quản lý và khai thác nguồn nước, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; giám sát việc tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch vùng cũng như quy hoạch của các địa phương trong vùng, phát huy hơn nữa vai trò điều phối của các bộ, cơ quan trung ương trong việc phát hiện và xử lý kịp thời các vướng mắc, bất cập phát sinh, điều chỉnh các quy hoạch để phù hợp với các yêu cầu thực tiễn; xây dựng cơ chế, chính sách liên kết vùng, phân công hợp tác giữa các địa phương với nhau phải tăng cường được năng lực quản trị địa phương, thực thi tốt hơn các nhiệm vụ chính quyền Trung ương phân cấp cho địa phương; tạo mối quan hệ hài hoà giữa lợi ích của từng địa phương, lợi ích chung của vùng.

Cùng với đó, Thủ tướng đã chỉ rõ nhưng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong đó nhấn mạnh, khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch vùng trên tinh thần "thông thoáng về chính sách, thông suốt về hạ tầng và thông minh về quản trị".

Tập trung cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng hiện đại, ưu tiên phát triển các ngành, lĩnh vực có thế mạnh; ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến phát triển KTXH, có tính lan tỏa lớn, có tính kết nối quốc tế, liên vùng và hướng biển nhấn mạnh các dự án hạ tầng giao thông mới vùng Đông Nam Bộ như cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, đô thị thông minh và khuyến khích đầu tư các dự án vào những lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bán dẫn, hydrogen….

Tập trung đào tạo phát triển nguồn nhân lực, thu hút nhân tài, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo nhất là nhân lực bán dẫn, nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ. Quản lý các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái tự nhiên; ứng phó với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy phát triển trên nền tảng tăng trưởng xanh, khai thác có hiệu quả và bền vững tài nguyên. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, con người, nâng cao chất lượng cuộc sống, môi trường sống lành mạnh cho người dân.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, chuẩn bị tốt các dự án trọng điểm, quan trọng để mời gọi các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược và đẩy mạnh các hoạt động điều phối Vùng.

Về công tác thông tin, truyền thông, Thủ tướng yêu cầu, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh, thành phố thuộc vùng phải phổ biến quy hoạch sâu rộng bằng nhiều hình thức khác nhau để Nhân dân hiểu, nắm rõ, ủng hộ, làm theo, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần "Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân kiểm tra - Dân giám sát - Dân thụ hưởng".

Thủ tướng đề nghị các địa phương vùng Đông Nam Bộ: Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KTXH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 và Nghị quyết số 154/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 24; đoàn kết, đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau giải quyết các vấn đề của Vùng, liên tỉnh, thành trong Vùng. Nghiên cứu việc xây dựng các quỹ, cơ chế để hỗ trợ các dự án lớn, quan trọng của vùng Đông Nam Bộ.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành Trung ương phối hợp với Bộ KH&ĐT trong tổ chức giám sát, kiểm tra thực hiện quy hoạch Vùng; thường xuyên rà soát, kiểm điểm, rút kinh nghiệm, bổ sung, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình thực tế; phối hợp, hỗ trợ hiệu quả, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh, thành phố trong vùng phát huy sức mạnh tổng hợp trong thực hiện quy hoạch.

Với Hội đồng điều phối vùng, Thủ tướng đề nghị phát huy hơn nữa vai trò của cơ quan thường trực (Bộ KH&ĐT) trong việc tham mưu, đề xuất cho Hội đồng để xử lý, giải quyết các vấn đề của từng địa phương trong Vùng, của Vùng và các vấn đề mang tính liên vùng, đặc biệt là trong phát triển cơ sở hạ tầng vùng, quản lý và khai thác nguồn nước, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, tổ chức thực hiện quy hoạch vùng.

Về các dự án giao thông kết nối vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng yêu cầu tập trung cho các dự án trọng điểm như Cảng HKQT Long Thành, Vành đai 3 TPHCM, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 4 TP.HCM, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, các dự án kết nối đồng bộ với cảng HKQT Long Thành.