Sáng 16/7, tại Thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chủ trì buổi làm việc của Tiểu ban với các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại buổi làm việc, một số địa phương đã nêu lên những tiềm năng, lợi thế phát triển của vùng cũng như từng tỉnh, đồng thời nêu một số nút thắt trong phát triển cần tháo gỡ thời gian tới. Trong đó các địa phương cho rằng, cần có cơ chế chia sẻ dữ liệu vùng để dùng chung cho cả vùng; hoàn thiện quy hoạch phát triển vùng; đầu tư mạnh mẽ hạ tầng giao thông kết nối vùng vốn đang còn yếu; đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển; đầu tư phát triển những vùng khó khăn gắn với đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc |
Là vùng sản xuất hàng hóa nông sản chủ lực, các địa phương cho rằng, hiện đang thiếu các chuỗi giá trị sản xuất nên giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cao.
Nhiều địa phương trong vùng cho rằng, liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua còn yếu, thể hiện ở cơ chế phối hợp và hạ tầng giúp liên kết vùng, các địa phương mong muốn sớm khắc phục điều này từ quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội nhiệm kỳ tới đến xây dựng cơ chế hoạt động hiệu quả cho hội đồng vùng. Cùng với liên kết kinh tế là liên kết phát triển du lịch, giáo dục, y tế... Các địa phương kiến nghị cần đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững vùng, giúp các địa phương thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển.
Lãnh đạo các Bộ cũng cho rằng, cần đầu tư mạnh mẽ hơn hạ tầng ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long mang tính định hình và đi trước. Trong đó, Trung ương và các địa phương cần tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng đột phá để đầu tư về cảng biển, cảng hàng không và đường cao tốc. Cùng với đó là phát triển đường quốc lộ, đường thủy nội địa để kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, vì sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long có sự hỗ trợ rất lớn từ Thành phố Hồ Chí Minh.
Một số thành viên của Tiểu ban Kinh tế -Xã hội cũng cho rằng, cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo tại vùng, một thế mạnh của vùng.
Tán thành với việc phát triển nguồn nhân lực, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, cần quy hoạch lại hệ thống các trường trong vùng, cơ cấu lại ngành nghề đào tạo để đáp ứng định hướng phát triển của vùng.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đồng bằng sông Cửu Long là một trong những vùng có đất đai màu mỡ nhất trên thế giới, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp chất lượng cao. Đây là thế mạnh mà vùng tiếp tục phải khai thác để thúc đẩy phát triển.
Cùng với đó Thủ tướng cũng nêu tiềm năng phát triển kinh tế biên mậu của vùng là rất lớn.
Về kết quả nổi bật của vùng trong thực hiện kế hoạch 5 năm và chiến lược 10 năm qua, Thủ tướng đánh giá, vùng có mức tăng trưởng kinh tế và cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; đã phát triển công nghiệp chế biến; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện; tỷ lệ nghèo đa chiều giảm thấp hơn mức bình quân cả nước; đã hình thành các mô hình sản xuất hàng hóa có quy mô.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu những hạn chế, thách thức đối với vùng, như biến đổi khí hậu, hạ tầng không đồng bộ; nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, còn tiểm ẩn một số vấn đề về dân tộc tôn giáo; liên kết vùng còn hạn chế; thu ngân sách chưa đạt yêu cầu bởi hầu hết các tỉnh trong vùng phải nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc Khmer, khoảng cách giàu nghèo so với một số vùng khác có xu hướng gia tăng.
Trong liên kết của vùng với Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn những bất cập, chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Nêu các vấn đề đó, Thủ tướng gợi ý tầm nhìn đối với sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Theo đó, ĐBSCL cần xác định được tầm nhìn của toàn vùng đến năm 2045 đặt trong tầm nhìn và chiến lược chung của cả nước đến năm 2045. Tầm nhìn đó cần hướng đến sự liên kết toàn vùng ĐBSCL, phát triển nhanh, bền vững và có bước đột phá một số lĩnh vực để không thua kém bất cứ vùng nào về mọi mặt.
Để làm được điều đó, theo Thủ tướng, phải có một số giải pháp đột phá cả về tư duy, hành động để đồng bằng phát triển nhanh hơn, bền vững hơn hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu gay gắt đối với vùng. Chính vì vậy một số giải pháp lớn là khẩn trương hoàn thành quy hoạch vùng theo phương pháp tích hợp đa ngành với tư duy mới, tầm nhìn mới.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì triển khai, phối hợp với địa phương, bộ, ngành, chuyên gia, tư vấn trong và ngoài nước, dự kiến đến giữa năm 2020 trình thông qua. Quy hoạch khu vực này gắn với Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ. Quy hoạch đó phải có giải pháp kết nối cùng có lợi và vấn đề tiểu vùng phải đặt ra.
Thủ tướng cũng cho rằng, vùng cần xây dựng cơ chế huy động nguồn lực để thực hiện quy hoạch phát triển, trong đó cần bổ sung 45.000 tỷ đồng đầu tư từ nhiều nguồn, trong đó có nguồn nhân sách và ODA dành riêng cho phát triển các hạ tầng quan trọng mang tính liên vùng, các dự án ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn nước ngọt cho sản xuất và đời sống, các dự án cấp bách giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt đối với sự phát triển vùng.
Cùng với đó theo Thủ tướng cần xã hội hóa trong phát triển hạ tầng của vùng, trong đó có đường sắt tốc độ cao. Thủ tướng nhấn mạnh, các hạ tầng này vừa tạo liên kết vùng, vừa kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, bởi sự phát triển của ĐBSCL phụ thuộc nhiều vào Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, vùng cung cấp nhân tài, vật lực cho Thành phố Hồ Chí Minh phát triển.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của Chính phủ đối với vùng ĐBSCL. Đó là Chính phủ xây dựng cơ chế điều phối vùng đủ mạnh, đủ thẩm quyền, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
"Không có nơi nào mà có đến 13 tỉnh, thành, dân số gần 20 triệu dân mà liên kết tạo ra sự phát triển tốt như thế mà chúng ta lại chưa làm tốt. Đừng để mạnh ai nấy làm. Cơ cấu cấu lại ngành nông nghiệp dựa trên công nghệ và hiệu quả cao, gắn chế biến với thị trường tiêu thụ. Xây dựng các chuỗi sản xuất, thương hiệu sản phẩm. Cơ cấu nông nghiệp ấy gắn với biến đổi khí hậu của vùng với tinh thần thuận thiên, biến nguy thành cơ đã được thể hiện đối với ĐBSCL"- Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng nêu một giải pháp quan trọng đối với vùng là chú trọng đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Xây dựng đô thị theo chuỗi, tạo điều kiện cho phát triển, từ đó chuyển dịch cơ cấu kinh tế; triển khai đồng bộ và hiệu quả Nghị quyết 120 theo hướng thuận thiên, giải quyết vấn đề cấp bách của vùng và đời sống của người dân.
Một động lực mới mà Trung ương đang đề cập và Thủ tướng cho rằng cũng cần đặt ra đối với vùng ĐBSCL là đổi mới sáng tạo, khát vọng dân tộc, khát vọng phát triển vùng, để không thua kém bất cứ vùng nào của đất nước./.
Thủ tướng làm việc với các địa phương ĐBSCL, chuẩn bị cho ĐH XIII