Phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á do Nikkei tổ chức vào sáng 20/5 theo hình thức trực tuyến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, một châu Á vươn lên vì hòa bình ổn định phát triển và thịnh vượng chính là khát vọng chung của các quốc gia trong khu vực, bình đẳng giữa các quốc gia, quyết tâm của các Chính phủ, sự chung tay chính là chìa khóa để xây dựng một tương lai tươi đẹp cho châu Á.
Đoàn Việt Nam tháp tùng Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị có Lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và Văn phòng Chính phủ.
Hội nghị quốc tế về Tương lai Châu Á là một trong những diễn đàn đối thoại chính sách hàng đầu ở châu Á do hãng thông tấn Nikkei (Nhật Bản) tổ chức thường niên từ năm 1995 với sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao, doanh nghiệp và học giả các nước châu Á và quốc tế.
Hội nghị năm nay còn có sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào, Tổng thống Sri Lanka, Thủ tướng Campuchia, Thủ tướng Malaysia, Thủ tướng Nepal, Thủ tướng Pakistan, Thủ tướng Thái Lan, Phó Thủ tướng Singapore và nguyên Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. Hơn 500 đại biểu là doanh nghiệp, học giả, đại diện bộ, ngành của Nhật Bản và các nước, cùng đại diện tổ chức khu vực và quốc tế cũng tham dự Hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận cởi mở về các vấn đề khu vực; vai trò và tiềm năng của châu Á trong bức tranh toàn cảnh thế giới và các giải pháp nâng cao vị thế của khu vực với chủ đề: “Định hình kỷ nguyên hậu COVID: Vai trò của châu Á đối với sự phục hồi toàn cầu”.
Hội nghị đã nghe các bài phát biểu của Lãnh đạo Cấp cao các nước và các phiên thảo luận chuyên đề về: Tái kết nối khu vực thông qua các hoạt động trao đổi văn hoá; châu Á và chính quyền mới tại Mỹ; phát triển bền vững và những thay đổi ở châu Á; và những lĩnh vực đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên COVID-19.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ ra những khó khăn và thách thức của châu Á trong bối cảnh bệnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đại dịch COVID-19 được đánh giá là thảm họa lớn nhất mà nhân loại phải đối mặt kể từ sau chiến tranh thế giới đã và đang sẽ tác động sâu sắc đến cục diện thế giới khu vực cũng như đời sống kinh tế xã hội của tất cả các nước.
“Hơn lúc nào hết đây là thời điểm tất cả các nước gác lại mâu thuẫn, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, tất cả cùng chiến thắng vượt qua đại dịch. Chúng ta càng cần phải đoàn kết hơn nữa, hợp tác bình đẳng gắn bó hơn nữa để cùng nhau vượt qua khó khăn và thách thức. Hoàn cảnh đặc biệt đòi hỏi những hành động và biện pháp mạnh mẽ quyết liệt và đặc biệt. Chúng ta cần một khuôn khổ hợp tác mới với những đột phá cần thiết để vừa giúp đỡ nền kinh tế trụ vững vượt qua đại dịch vừa đặt nền tảng cho sự phát triển bền vững và bao trùm trong tương lai, cùng nhau chung tay xây dựng châu Á Hòa bình hợp tác phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên hậu COVID-19”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Với phương châm phát triển mạnh mẽ nội lực, khả năng thích ứng tự lực tự cường, tăng cường củng cố hợp tác quốc tế, lấy con người làm trung tâm lấy những giá trị văn hóa tốt đẹp nền tảng lý khó khăn, thách thức để hợp tác cùng vươn lên, Thủ tướng cho rằng, cần tập trung vào 6 nội dung chiến lược, trong đó ưu tiên hàng đầu là bảo đảm nguồn cung tiếp cận bình đẳng, kịp thời vaccine, đồng thời giảm cấp sở hữu bản quyền, thúc đẩy chuyển giao công nghệ về sản xuất vaccine một cách cởi mở, chúng ta có thể nghiên cứu hoặc phát huy cơ chế hợp tác khu vực nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh sau này, như việc thành lập trung tâm Asean về các tình huống y tế khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi.
Nhắc tới tương lai châu Á, Thủ tướng nhấn mạnh, điều kiện tiên quyết cho phục hồi và phát triển thịnh vượng là bảo đảm môi trường quốc tế hòa bình trong bối cảnh khu vực và quốc tế đang phải tập trung nguồn lực để xử lý các vấn đề chưa có tiền lệ.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tham gia có trách nhiệm sẵn sàng cùng các nước vun đắp cho hòa bình và tình đoàn kết vì lợi ích chung sự phát triển phồn vinh của từng quốc gia trong khu vực vì sự ấm no và hạnh phúc của mọi người dân trên thế giới. Người Việt Nam có câu “lửa thử vàng gian nan thử sức”, người Nhật Bản có danh ngôn “Hoa mơ nở trong tuyết”. Tất cả có niềm tin sẽ cùng nhau đoàn kết chung tay xây dựng châu Á, niềm tin này xuất phát từ những giá trị bản sắc châu Á. Đó là những giá trị tinh thần cộng đồng, sự bền bỉ, linh hoạt thích ứng, khát vọng vươn lên.
Thủ tướng nhấn mạnh không thể không nhắc tới vai trò của Nhật Bản - một trong những nền kinh tế tiên tiến hàng đầu thế giới đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển châu lục các nước châu Á và Nhật Bản, đã cùng nhau vượt qua khủng hoảng tài chính năm 2008 trở thành động lực tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và ngày nay đang tiếp tục hợp tác để ứng phó với đại dịch COVID-19. Những công trình, dự án với sự hỗ trợ hiệu quả của Nhật Bản trải dài khắp châu Á từ hạ tầng giao thông, năng lượng đến nông nghiệp, văn hóa, giáo dục và sức khỏe cộng đồng. Thủ tướng khẳng định, quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam, Nhật Bản tiếp tục phát triển tốt đẹp mạnh mẽ và thực chất trên nhiều lĩnh vực.
Với sự tin cậy chính trị cao, Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã dành cho Việt Nam trong phát triển kinh tế xã hội trong 4 thập kỷ qua. Việt Nam hoan nghênh các nỗ lực của Nhật Bản về kết nối khu vực, liên kết kinh tế phát triển bền vững. Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, Nhật Bản tiếp tục đóng vai trò quan trọng công cuộc củng cố hòa bình phát triển ở khu vực, tiếp tục gặt hái những thành công mới trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và tổ chức thành công thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo năm 2021, đưa sự kiện trở thành biểu tượng của sự đoàn kết toàn cầu trong điều kiện COVID-19.
Thủ tướng bày tỏ lời cảm ơn chân tình nhất với các nước trong khu vực, nhất là Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ Việt Nam ứng phó với dịch COVID-19, khắc phục hậu quả lũ lụt, hạn hán thiên tai. Với quyết tâm cao và sự đồng lòng, Việt Nam tập trung thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Một số định chế quốc tế có đánh giá Việt Nam nằm trong các nền kinh tế có khả năng phục hồi tốt nhất hậu COVID-19, xuất phát từ tình hình chính trị xã hội ổn định, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân các biện pháp quyết liệt hiệu quả cũng như nền tảng kinh tế vĩ mô sẽ phát huy những kết quả đạt được vượt qua các khó khăn, thách thức mà tiếp tục đưa đất nước phát triển dựa trên ba trụ cột chính: Chiều sâu của bề dày truyền thống văn hóa lịch sử dân tộc, giá trị con người Việt Nam và tài nguyên thiên nhiên.
Thủ tướng nhấn mạnh, quan điểm của Việt Nam về phát triển là phát triển nhanh trên cơ sở khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số bảo đảm hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy đổi mới mô hình tăng trưởng cơ cấu lại nền kinh tế phát triển kinh tế xanh, nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động, hoàn thiện thể chế phát triển một cách đầy đủ hiện đại là điều kiện tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh mọi thành phần kinh tế.
Thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc, ý chí tự lực tự cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để phát triển đất nước, phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người làm trung tâm vừa là nguồn lực vừa là động lực quan trọng nhất và là mục tiêu sự phát triển, không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ và tích cực hội nhập, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế, phát huy nội lực về yếu tố quyết định gắn với ngoại lực là sức mạnh thời đại. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện có hiệu quả và thành viên có trách nhiệm với quốc tế.
Việt Nam sẽ tập trung thực hiện ba đột phá chiến lược và hoàn thiện thể chế nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đẩy mạnh kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng chiến lược, cũng sẽ dành ưu tiên đặc biệt cho các dự án xây dựng kinh tế số kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế. Việt Nam mở ra nhiều cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp các nước trong khu vực và trên toàn thế giới.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng cùng mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực hạ tầng chiến lược, năng lượng công nghiệp chế tạo và phụ trợ, công nghiệp môi trường nông nghiệp, chất lượng cao, điện tử, công nghệ thông tin và Truyền thông, công nghệ sinh học, đô thị thông minh, logistics. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi và cùng đồng hành với các nhà đầu tư nước ngoài để tất cả cùng thắng, chia sẻ rủi ro khi có nguyên nhân khách quan.
“Một châu Á vươn lên vì hòa bình ổn định phát triển và thịnh vượng chính là khát vọng chung của các quốc gia trong khu vực, bình đẳng giữa các quốc gia, quyết tâm của các Chính phủ, sự chung tay chính là chìa khóa để xây dựng một tương lai tươi đẹp cho châu Á. Với tinh thần đoàn kết tự lực tự cường không ngừng đổi mới sáng tạo và đi lên từ bàn tay khối óc, khung trời cửa biển trên toàn châu lục, chúng ta hoàn toàn có thể biến không thành có, biến khó thành dễ, biến điều không thể thành điều có thể… Châu Á có trong tay cơ hội và sức mạnh để định hình vai trò và vị thế của mình trong giai đoạn mới của thế giới. Và có thể nói rằng Tương lai là châu Á, châu Á cùng hướng tới tương lai” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói./.