Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, hội luật gia, các chuyên gia luật…
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tuyến với 1 điểm cầu ở trụ sở Chính phủ và 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố và diễn ra sau khi Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV kết thúc cách đây 1 tuần với việc thông qua 7 luật, sẽ có hiệu lực vào giữa năm 2021 và đầu năm 2022.
Hội nghị sẽ bàn các biện pháp nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu quả thi hành. Công tác này càng có ý nghĩa quan trọng khi mà dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và chúng ta ký kết các hiệp định thương mại quan trọng (gần đây là Hiệp định RCEP), đòi hỏi phải cập nhật những vấn đề mới nảy sinh.
Ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Thủ tướng đã khẳng định quyết tâm "xây dựng Chính phủ kiến tạo”, một Chính phủ chủ động thiết kế ra một hệ thống pháp luật tốt, những chính sách tốt, thể chế tốt để nuôi dưỡng nền kinh tế phát triển, chứ không phải bị động đối phó với những diễn biến trên thực tế. Theo đó, mỗi năm, Chính phủ tổ chức 2 đến 3 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Việc xem xét các dự án, luật, pháp lệnh tại các phiên họp của Chính phủ được cải tiến.
Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc họp cho ý kiến về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và nội dung cơ bản của nhiều dự án luật quan trọng, phức tạp, nhằm định hướng cho việc nghiên cứu soạn thảo bảo đảm chất lượng và tiến độ trình dự án.
Tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng, theo chỉ đạo của Thủ tướng, nội dung về xây dựng thể chế, chính sách thường được đưa lên đầu tiên. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng tăng cường kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ về xây dựng pháp luật./.