Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thụy Điển, sáng 27/5 theo giờ địa phương, tức chiều 27/5 theo giờ Việt Nam, tại Thủ đô Stockholm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo 10 tập đoàn hàng đầu của Thụy Điển.
Đây đều là những doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, là các tập đoàn đa quốc gia, lịch sử phát triển lâu đời và có những sản phẩm khoa học, công nghệ hàng đầu thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, trao đổi với các lãnh đạo Tập đoàn hàng đầu Thụy Điển. |
Các tập đoàn tham gia buổi làm việc thuộc các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghiệp ô tô, công nghệ tự động hóa, lĩnh vực đổi mới sáng tạo, an ninh mạng, năng lượng, thực phẩm, dược phẩm, đồ da dụng, trong đó có những tên tuổi như Wallenberg, Electrolux, Saab, Ericsson, ABB Sweden, Oriflame, Volvo Cars, AstraZeneca.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh về mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước trong 50 năm qua là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư. Do đó, Thủ tướng mong muốn lắng nghe lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu của Thụy Điển về các vấn đề quan tâm.
Theo Thủ tướng, Việt Nam đang tái cơ cấu nền kinh tế nên rất cần công nghệ phát triển bền vững. Cuộc gặp mặt này là khởi đầu để hiểu biết, và muốn có kết quả tiếp theo, hai bên cần đi sâu hơn nữa. Chính phủ, các bộ, ngành Việt Nam, các đại sứ, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam sẽ hỗ trợ các lãnh đạo tập đoàn tối đa nhất.
“Việt Nam có câu: “Buôn có bạn, bán có phường”. Các công ty Thụy Điển thành công ở Việt Nam sẽ là cầu nối và thêm thông tin cho quý vị. Thủ tướng cũng như các Bộ trưởng sẵn sàng tiếp, trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc khó khăn để công nghệ, kinh nghiệm của các bạn Thụy Điển vào Việt Nam thành công” – Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng trao đổi về một số vấn đề lãnh đạo Tập đoàn Thụy Điển quan tâm. |
Thủ tướng cũng lưu ý, các doanh nghiệp Thụy Điển vào Việt Nam không chỉ là vào thị trường 100 triệu dân mà cả ASEAN 700 triệu dân và các thị trường mà Việt Nam tham gia 12 Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước không chỉ là tiếp nối truyền thống của hai nước mà còn là thời cơ lớn cho cả doanh nghiệp hai bên.
Lãnh đạo các doanh nghiệp tham gia buổi làm việc cho biết, hoạt động của các tập đoàn này tại Việt Nam đang mang lại hiệu quả tích cực và nhiều doanh nghiệp mong muốn mở rộng hợp tác tại Việt Nam. Ông Jonas Samuelsson, Giám đốc điều hành Tập đoàn Electrolux cho biết, tập đoàn có doanh thu mỗi năm tới 15 tỷ USD, trong đó Việt Nam là thị trường quan trọng nhất của Elextrolux tại ASEAN, mang lại doanh thu 150 triệu USD mỗi năm. Tập đoàn mong muốn thúc đẩy hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, bởi Việt Nam đang ủng hộ một hệ thống thương mại mở, tự do.
Trong khi đó, ông Fredrik Jejdling, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Ericsson, cho biết, Tập đoàn đang trong giai đoạn phát triển và nhân rộng công nghệ 5G ra trên thế giới và mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Tập đoàn đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993, hiện có 400 nhân viên, có quan hệ, đối tác tốt với cả 4 nhà cung cấp dịch vụ mạng di động tại Việt Nam. Sắp tới, tập đoàn thống nhất thỏa thuận thiết lập mạng 5G với Viettel của Việt Nam vào tháng 5 này, đồng thời tin tưởng công nghệ 5G đóng góp vào nâng cấp cơ sở hạ tầng để ứng dụng được các dịch vụ IoT, dịch vụ internet vạn vật. Do đó, tập đoàn khuyến nghị thúc đẩy thêm các chương trình nghị sự về khoa học công nghệ tại Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong chương trình phát triển mạng lưới sáng tạo để đạt được mục tiêu Việt Nam trở thành 1 trong 10 nước sản xuất phần mềm lớn nhất thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các tập đoàn lớn đưa ra nhiều giải pháp công nghệ, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để thúc đẩy phát triển bền vững, mang lại hiệu quả đầu tư kinh doanh cao. Trước sự quan tâm của các doanh nghiệp hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, Thủ tướng giao các Bộ trưởng liên quan trao đổi với lãnh đạo các tập đoàn.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết, các tập đoàn đều có quan tâm chung trong hỗ trợ nghiên cứu, thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Đây cũng là việc rất quan trọng mà Thủ tướng Việt Nam đang tập trung chỉ đạo các Bộ, ngành hiện nay. Bộ trưởng cảm nhận đã đủ nhân sự để bàn giải pháp cụ thể, ví dụ qua IoT của Ericson có thể phối hợp với ABB để triển khai các giải pháp robot cho các kết nối. Hay tập đoàn AstraZeneca có khả năng chia sẻ các nghiên cứu phát triển (R&D) cũng như nghiên cứu các dược phẩm, mà đây cũng là những yêu cầu trong thu hút FDI Việt Nam cũng thống nhất tạo không gian cho lĩnh vực này.
Lãnh đạo các Tập đoàn nêu nhiều vấn đề quan tâm về các lĩnh vực hợp tác. |
Trong khi đó,ông Johan Söderström, Giám đốc điều hành ABB Sweden thì cho biết, tập đoàn là doanh nghiệp công nghệ tiên phong trong lĩnh vực robot, các giải pháp về năng lượng... Tập đoàn cam kết mạnh mẽ về việc hợp tác với Việt Nam xây dựng lưới điện Việt Nam đạt mục tiêu sản xuất và cấp phát điện đến năm 2030.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đánh giá cao Tập đoàn ABB có đóng góp cho việc hoàn thiện hệ thống lưới điện tại Việt Nam và cho biết viễn cảnh hợp tác với ABB rất tốt, không chỉ trong hoàn thiện hệ thống lưới điện và nguồn điện tại Việt Nam mà còn hoàn thiện công nghệ mới để nâng cao hiệu suất sử dụng điện tại Việt Nam, đảm bảo độ an toàn của lưới điện Việt Nam.
Trong lĩnh vực dược phẩm, ông Nitin Kapoor, Chủ tịch Tập đoàn Astra Zeneca cho biết, Tập đoàn có thế mạnh về công nghệ dược phẩm và khoa học đời sống, chăm sóc sức khỏe, đã hoạt động tại Việt Nam 25 năm và mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam. Tập đoàn sẽ có một thỏa thuận hợp tác mới tại Việt Nam với số vốn lớn ngay trong chuyến thăm này của Thủ tướng.
Trong khi đó, ông Paul Welander, Phó Chủ tịch cấp cao Tập đoàn Volvo Cars, cho biết, Tập đoàn đã hoạt động trên 100 nước trên thế giới và mới có mặt tại Việt Nam từ năm 2016, bắt đầu xây quan hệ đối tác với các doanh nghiệp của Việt Nam và cảm thấy rất hài lòng về các đối tác này. Tập đoàn có văn phòng đối tác tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, mới thu được doanh số rất khiêm tốn khi mới tiêu thụ được 250 xe tại Việt Nam thời gian qua và mục tiêu bán 1.000 xe vào năm 2020. Điều đó góp phần tăng doanh thu bán hàng xe hạng sang của Tập đoàn.
“Hiện chúng tôi mới có 50 nhân viên hoạt động tại Việt Nam, nhưng muốn tăng gấp 3 con số này vào năm 2020. Chúng tôi muốn trao đổi thêm về thủ tục đầu vào và giải pháp về cảng để nhập khẩu từ nước ngoài về. Vì các thủ tục pháp lý hiện nay đối với nhập khẩu ô tô còn tốn kém” – ông Paul Welander nêu rõ.
Về sự quan tâm này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Thành phố có 10 triệu dân, trao đổi với các doanh nghiệp, trong đó có nội dung mà Volvo quan tâm.
Ông Nguyễn Đức Chung cho biết cho biết, thời gian qua UBND đã trình HĐND Thành phố để xóa bỏ hàng rào, đó là định mức mua xe bus cho thành phố với định mức khoảng 120.000 USD lên mức cao hơn. Volvo và các hãng xe Thụy Điển hoàn toàn có thể tham gia vào cung ứng các xe bus cho Hà Nội, nhất là các xe bus thế hệ mới dùng năng lượng hay xe bus điện.
“Trong chuyến thăm Việt Nam của Công chúa kế vị Thụy Điển cùng Phu quân và đông đảo doanh nghiệp Thụy Điển vừa qua, chúng tôi cũng đã được tiếp kiến và trao đổi thẳng thắn các nội dung này. Chúng tôi mong muốn gặp lại quý vị, đón tiếp quý vị để hợp tác trong thời gian tới” – ông Nguyễn Đức Chung cho biết.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, Hà Nội là thành phố 10 triệu dân, mong muốn các doanh nghiệp của Thụy Điển với thế mạnh công nghệ, hợp tác với thành phố để giải quyết các thách thức là xử lý rác, bùn, ô nhiễm không khí, phát triển hệ thống giao thông thông minh. Nhất là hiện nay, thành phố đang triển khai chương trình, phấn đấu đến 31/12/2020 toàn bộ thành phố sẽ không sử dụng túi nilon trong hoạt động mua bán; khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội sản chai thủy tinh thay thế chai nhựa và túi nilon.../.
Thủ tướng gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Điển
Thủ tướng đến Stockholm, bắt đầu chuyến thăm chính thức Thụy Điển