Phát biểu kết thúc Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam diễn ra sáng nay (5/12), Thủ tướng cam kết với các nhà tài trợ sẽ thực hiện có hiệu quả phòng chống tham nhũng.
Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn (ảnh V.H) |
Trước đó, nói về các mục tiêu trong năm 2014 – 2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Chính phủ sẽ tập trung làm tốt hơn các mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu.
Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên được Thủ tướng nhắc tới là tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát tốt hơn theo mục tiêu đã đề ra. Việt Nam duy trì tăng trưởng bảo đảm năm 2014 GDP tăng trưởng 5,8%, năm 2015 tăng trưởng 6%, ổn định tỷ giá, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, đẩy mạnh xuất khẩu và giữ đà xuất khẩu tăng trưởng cao như hiện nay.
Chính phủ Việt Nam tập trung tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để nền kinh tế có hiệu quả cao, sức cạnh tranh cao hơn và phát triển bền vững hơn, để Việt Nam không rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược. Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, trong đó sẽ tham gia đàm phán các hiệp định thương mại tự do: TPP, FTA với châu Âu, liên minh thuế quan Nga, Belarus, Khazakhstan; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để tạo ra môi trường kinh doanh công bằng minh bạch, hiệu quả cho tất cả các thành phần kinh tế.
Chính phủ sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường với các mặt hàng và dịch vụ công thiết yêu như điện, than, xăng dầu, nước, dịch vụ y tế...
“Việt Nam đã thực hiện cơ chế thị trường với xăng dầu, không còn trợ giá với mặt hàng này. Riêng với than chỉ còn trợ giá cho than bán cho các nhà máy điện. Năm 2014 - 2015 sẽ kết thúc trợ giá cho than bán cho nhà máy điện. Vì việc này giúp cho hạch toán nền kinh tế minh bạch, hơn đồng thời cũng góp phần cải thiện môi trường” – Thủ tướng nói.
Đột phá tiếp theo được Thủ tướng cam kết trước các đối tác phát triển, các nhà đầu tư là tiếp tục đầu tư, huy động nguồn lực của nhà nước, của các thành phần kinh tế, kể cả PPP để đầu tư kết cấu hạ tầng. “Đây là khâu Việt Nam đang gặp khó khăn, phải dồn sức đầu tư kết cấu hạ tầng” – Thủ tướng lưu ý.
Việt Nam cũng sẽ tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong khi thực hiện 3 khâu đột phá đó, Việt Nam tiếp tục tập trung tái cơ cấu đầu tư công, để đầu tư công được quản lý chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Chính phủ cũng sẽ ban hành các quy định, thể chế để thu hút đầu tư của tư nhân dưới các hình thức.
Thủ tướng cam kết tiếp tục tái cơ cấu tài chính ngân hàng để hoạt động hiệu quả hơn, cạnh tranh hơn, đi liền với giảm nhanh nợ xấu để đến 2015 nợ xấu trở về mức bình thường.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước để doanh nghiệp nhà nước thực sự hoạt động cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Sẽ công khai minh bạch kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhà nước.
Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội tốt hơn. Chính phủ Việt Nam sẽ tập trung sức tạo việc làm, giảm nghèo bền vững hơn, đặc biệt là với đồng bào dân tộc thiểu số với những qui định, chính sách thiết thực, hiệu quả để giảm nghèo nhanh khu vực này. Việt Nam sẽ hoàn thiện thêm các chính sách cụ thể như chính sách về giao đất sản xuất, chính sách giao rừng, bảo vệ rừng, hỗ trợ vốn cho nông nghiệp, đào tạo nghề, chính sách về y tế, giáo dục, nước sạch… tăng đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội cho vùng khó khăn. Những năm qua, bình quân giảm nghèo ở khu vực dân tộc thiểu số đạt 4%/năm, gấp đôi với tỷ lệ giảm nghèo bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào thiểu số còn cao. Việt Nam thấy rõ điều này và hết sức quyết tâm để giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong khu vực đồng bào thiểu số.
Chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện có hiệu quả phòng chống tham nhũng theo hướng hoàn thiện thể chế cơ chế thị trường, công khai minh bạch, phát huy vai trò của người dân, báo chí, xã hội để góp phần vào phòng chống tham nhũng. “Chính phủ Việt Nam xử lý nghiêm các sai phạm về pháp luật, tham nhũng, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong giải trình, giải đáp” – Thủ tướng nói.
Việt Nam cũng cam kết tiếp tục hoàn thiện thể chế để quản lý tốt hơn tài nguyên, môi trường để chủ động đối phó với biến đổi khí hậu, biển dâng, phòng chống thiên tai.
Cuối cùng, Chính phủ Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý điều hành trong quản trị, điều hành xã hội, quản lý nền kinh tế. Để thực hiện được mục tiêu nhiệm vụ, Việt Nam hết sức phấn đấu bằng nội lực của mình là chính, huy động tất cả các nguồn lực từ nhà nước, tư nhân… Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn các đối tác phát triển, các nhà tài trợ tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ Việt Nam cả về tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực… để giúp Việt Nam giữ vững thành quả trong những năm qua, đồng thời tiếp tục phát triển bền vững./.