Miễn thị thực có thời hạn đối với công dân Belarus
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về việc miễn thị thực có thời hạn đối với công dân nước Cộng hòa Belarus.
Cụ thể, miễn thị thực cho công dân nước Cộng hòa Belarus khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú tại Việt Nam không quá 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh, không phân biệt loại hộ chiếu, mục đích nhập cảnh, trên cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Chính sách miễn thị thực khi nhập cảnh Việt Nam cho công dân nước Cộng hòa Belarus được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 1/7/2015 đến hết ngày 30/6/2020 và sẽ được xem xét, gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Hỗ trợ Hà Giang di chuyển dân cư
Thủ tướng Chính phủ quyết định trích 92,358 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2015 hỗ trợ tỉnh Hà Giang để thực hiện việc di chuyển 1.461 hộ dân ngoài vùng quy hoạch trong năm 2014.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đối với 8 hộ dân ngoài vùng quy hoạch còn lại, UBND tỉnh Hà Giang bổ sung, lồng ghép vào quy hoạch bố trí sắp xếp dân cư theo quyết định 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
UBND tỉnh Hà Giang chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả số vốn được hỗ trợ, theo đúng quy định hiện hành; chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định tạo điều kiện để các hộ đã di dời sớm hoàn thiện nhà ở, đồng thời hoàn thiện các công trình phục vụ đời sống, sản xuất cho cộng đồng dân cư.
Được biết, thực hiện Đề án 105 về di chuyển dân cư, từ năm 2011 đến hết năm 2014, tỉnh đã bố trí, sắp xếp ổn định cho 4.186 hộ. Trong đó, Ngân sách Trung ương đã bổ sung có mục tiêu cho tỉnh để hỗ trợ 2.725 hộ di chuyển đến hết năm 2013 là 106,891 tỷ đồng. Riêng năm 2014, tỉnh đã bố trí sắp xếp ổn định được 1.461 hộ với kinh phí là 92,358 tỷ đồng nhưng chưa được hỗ trợ từ ngân sách Trung ương.
Do Hà Giang là tỉnh miền núi, ngân sách khó khăn nên Thủ tướng Chính phủ đã quyết định trích nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2015 để hỗ trợ số kinh phí trên cho tỉnh Hà Giang.
Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015 - 2025.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là đổi mới công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa với lộ trình phù hợp với đặc thù từng vùng, miền, khu vực tiến tới sau năm 2025 người thực hiện TGPL là luật sư hành nghề, bảo đảm cho các đối tượng thuộc diện được TGPL được cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời, chất lượng tương đương với dịch vụ mà luật sư cung cấp trên thị trường; chuyển các Trung tâm TGPL nhà nước (Trung tâm) theo hướng từ việc chủ yếu cung cấp dịch vụ TGPL hiện nay thành cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về TGPL, tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong việc tiếp cận dịch vụ TGPL của Nhà nước.
Nâng cao chất lượng hoạt động trợ giúp pháp lý
Trong giai đoạn từ năm 2015 đến khi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực, về hoạt động TGPL, Đề án sẽ nâng cao chất lượng hoạt động TGPL, tập trung thực hiện vụ việc TGPL, trong đó, chú trọng vụ việc tham gia tố tụng, đặc biệt là trong lĩnh vực tố tụng hình sự, hôn nhân và gia đình, các vụ việc đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật tại trụ sở, tư vấn pháp luật tiền tố tụng. Chỉ thực hiện việc tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về hoạt động TGPL.
Về tổ chức TGPL nhà nước, trong giai đoạn này sẽ duy trì tổ chức thực hiện TGPL của Nhà nước trên cơ sở sắp xếp tổ chức các Trung tâm theo hướng tinh gọn, tinh giản tổ chức, bộ máy và biên chế, giảm bớt chi phí bộ máy hành chính, tập trung nguồn lực cho việc nâng cao chất lượng TGPL, bảo đảm hiệu quả, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhu cầu TGPL, nguồn nhân lực cung cấp dịch vụ TGPL của từng địa phương và huy động các tổ chức xã hội tham gia thực hiện TGPL.
Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các Sở, ban, ngành có liên quan xây dựng Đề án sắp xếp vị trí, việc làm của các công chức, viên chức trong Trung tâm cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ trong từng giai đoạn bảo đảm Trung tâm có 2 bộ phận gồm: 1- Bộ phận trực tiếp thực hiện TGPL là các Trợ giúp viên pháp lý; 2- Bộ phận quản lý nghiệp vụ tạo tiền đề để chuyển đổi các Trung tâm từ trực tiếp cung cấp dịch vụ TGPL sang quản lý nhà nước và dịch vụ TGPL do tổ chức hành nghề luật sư và luật sư thực hiện TGPL ở giai đoạn sau.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức TGPL
Giai đoạn từ khi Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực đến năm 2025, là giai đoạn chuyển tiếp các Trung tâm từ việc trực tiếp cung cấp dịch vụ TGPL sang quản lý nhà nước; thực hiện giảm tiếp 50% trong tổng số biên chế sự nghiệp tại các Trung tâm; dịch vụ TGPL do tổ chức hành nghề luật sư và luật sư thực hiện.
Cụ thể, ở Trung ương, cơ quan quản lý TGPL ở Trung ương tiếp tục được kiện toàn về mặt tổ chức và chức năng, nhiệm vụ để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, điều phối, phân bổ nguồn lực, giám sát và kiểm soát chất lượng TGPL.
Còn ở địa phương, đối với các tỉnh có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, đội ngũ luật sư hành nghề trên địa bàn chưa đáp ứng nhu cầu TGPL thì vẫn duy trì Trung tâm, tăng cường năng lực cho các Trợ giúp viên pháp lý bảo đảm đủ trình độ, kỹ năng tham gia tố tụng; bố trí đủ kinh phí cho hoạt động TGPL, đồng thời có lộ trình chuyển đổi Trung tâm sang quản lý nhà nước, dịch vụ TGPL do tổ chức hành nghề luật sư và luật sư thực hiện vào năm 2025 theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi).
Đối với các tỉnh, thành phố còn lại có lộ trình chuyển đổi sớm Trung tâm từ việc trực tiếp cung cấp dịch vụ TGPL sang quản lý nhà nước, dịch vụ TGPL do tổ chức hành nghề luật sư và luật sư thực hiện; sắp xếp số biên chế dôi dư của Trung tâm tăng cường cho các đơn vị sự nghiệp, đơn vị hành chính của Sở Tư pháp, tổ chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Phòng Tư pháp cấp huyện, cơ quan quản lý nhà nước về TGPL.
Việt Nam tham gia dự án khu vực về biến đổi khí hậu
Thủ tướng Chính phủ đồng ý Việt Nam tham gia Dự án khu vực "Việt Nam: Xây dựng Thông báo quốc gia lần thứ ba cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC)" do Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) tài trợ từ nguồn viện trợ không hoàn lại của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF).
Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện, ký văn kiện dự án với Đại diện nhà tài trợ và triển khai thực hiện theo quy định.
Mục tiêu của Dự án nhằm giúp Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết và nghĩa vụ của nước thành viên tham gia UNFCCC thông qua việc xây dựng và gửi Thông báo quốc gia lần thứ ba của Việt Nam cho UNFCCC.
Đồng thời đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực chủ yếu, xây dựng các biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như đánh giá, xây dựng các phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực chính nhằm bảo đảm phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế các bon thấp theo hướng tăng trưởng xanh./.