Sáng 21/10, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự Luật Lưu trữ và thảo luận tại hội trường về dự án luật này.

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp nảy.

Dự án Luật Lưu trữ gồm 7 chương, 45 điều.

Kho lưu trữ

Các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau về dự án Luật Lưu trữ. Về việc sáp nhập Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam và Phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam vào một phông lưu trữ quốc gia, Đại biểu Trần Hồng Thắm (đoàn Cần Thơ) đồng tình việc thống nhất 2 phông lưu trữ tạo thuận lợi quản lý. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng hoạt động lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ có những tài liệu không thể công khai, vì vậy  cần có quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Luật nhằm đảm bảo tính bảo mật đối với Phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng tình với ý kiến trên đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hoá) cho rằng Phông lưu trữ quốc gia cần đảm bảo sự thống nhất khoa học vì vậy không nên phân chia Phông lưu trữ Đảng và Phông lưu trữ Nhà nước.

Một vấn đề khác cũng được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận đó là về tổ chức lưu trữ, theo quy định dự thảo Luật là lưu trữ lịch sử được tổ chức ở cấp Trung ương và cấp tỉnh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng việc tổ chức lưu trữ ở 2 cấp như trong dự thảo Luật là phù hợp, sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho tập trung nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, hiện đại hóa hóa kho tàng, trang thiết bị. Tuy nhiên đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) và một số đại biểu khác lại cho rằng lưu trữ cấp huyện giúp ích cho công tác nghiên cứu lịch sử nên không cần thiết bỏ lưu trữ cấp này.

Ngoài ra, còn một số vấn đề mà nhiều đại biểu băn khoăn như về Quy định tại khoản 5, điều 8 về nghiêm cấm các hành vi mang tài liệu nghiêm cấm ra nước ngoài khi chưa được phép của cơ quan của nhà nước có thẩm quyền là chưa chặt chẽ nên rất khó kiểm soát. Vì hiện nay, công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, một cá nhân không cần mang tài liệu ra nước ngoài mà có thể chuyển thông tin qua mạng điện tử. Đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ về quy định này nhằm chấn chỉnh thông tin mật của đất nước bị rò rỉ, phát tán.

Về quản lý tài liệu lưu trữ điện tử, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu trữ điện tử là một hình thức lưu trữ còn mới. Để tạo cơ sở pháp lý định hướng cho hình thức lưu trữ này phát triển, dự thảo Luật đã quy định có tính nguyên tắc về lưu trữ điện tử và giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn việc quản lý tài liệu lưu trữ điện tử; sau một thời gian thực hiện và tổng kết thực tiễn có quy định cụ thể hơn về vấn đề này ở trong Luật.

email_laptop.jpg
Lưu trữ điện tử còn khá mới mẻ

Các đại biểu cơ bản thống nhất với giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là trong một số trường hợp đặc biệt có thể chưa công khai tài liệu lưu trữ điện tử. Tuy nhiên, Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (đoàn Tây Ninh) cho rằng, để bảo đảm tính minh bạch của Luật đề nghị quy định rõ hơn các điều kiện quy tắc cơ bản của các trường hợp đặc biệt.

Về xã hội hóa hoạt động dịch vụ lưu trữ, các đại biểu đồng ý với việc khuyến khích xã hội hóa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu đưa vào dự thảo Luật, theo hướng đề nghị Quốc hội cho bổ sung vào dự thảo Luật 2 điều quy định về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ lưu trữ  (Điều 35) và Chứng chỉ hành nghề lưu trữ (Điều 37); đồng thời kết hợp với quy định về hoạt động dịch vụ lưu trữ (Điều 36) xây dựng thành một chương riêng.

Đối với hoạt động dịch vụ lưu trữ, Đại biểu Trần Hồng Thắm đề nghị bổ sung thêm tổ chức hoạt động lưu trữ khi hoạt động phải theo Luật Doanh nghiệp…

Cũng trong buổi sáng, Quốc hội nghe và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đo lường./.