Nội dung được các đại biểu tập trung làm rõ chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ thủ đô; quy hoạch, quản lý dân cư; chính sách tài chính… Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều khiển phiên họp.

Hầu hết ý kiến phát biểu đều khẳng định, việc cần thiết phải ban hành Luật Thủ đô.

Tán thành cơ bản với điều khoản quy định trong Dự án Luật Thủ đô về quản lý dân cư, trong đó, cá nhân có nhà thuộc sở hữu hoặc nhà thuê ở nội thành, tạm trú liên tục tại chỗ ở đó 3 năm trở lên được đăng ký thường trú.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, cần xem xét, nghiên cứu và làm rõ hơn vì thủ tục hành chính rất phức tạp đối với việc nhập hộ khẩu.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết - Đoàn Bà Rịa- Vũng Tàu đề nghị: “Về quản lý dân cư, cần quản lý, quy định chặt chẽ hơn nhập cư vào nội thành so với luật cư trú. Tôi nhất trí nên viết gọn lại, như dự thảo quá dài và ghi lại những điều của Luật cư trú thì không hợp lý”.

Theo nhiều đại biểu, Dự thảo Luật Thủ đô trình Quốc hội lần này đã thu hẹp được sự khác biệt trong ý kiến về hầu hết các vấn đề quan trọng, xác định rõ hơn tính chất, cơ chế, chính sách đặc thù cho thủ đô.

Tính chất đặc thù của Hà Nội không phải là một thành phố trực thuộc Trung ương, một đô thị đặc biệt hay là một trung tâm văn hóa, khoa học, kinh tế lớn của cả nước mà đây là trung tâm chính trị hành chính quốc gia, là nơi tập trung những cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, các cơ quan tổ chức trong hệ thống chính trị.

Đây cũng là nơi có các cơ quan ngoại giao, cơ quan đại diện của nước ngoài và các tổ chức quốc tế. Hà Nội cũng là nơi diễn ra các sự kiện, hoạt động quan trọng tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Vì vậy, Hà Nội xứng đáng được xác định là đô thị đặc thù.

Thảo luận về những cơ chế đặc thù cho Hà Nội, đại biểu Đào Trọng Thi - Đoàn Hà Nội cho rằng, những chính sách ưu tiên quy định trong luật không phải là những ưu ái dành riêng cho nhân dân thủ đô mà cần phải được xem như sự tự nguyện, sự gương mẫu của nhân dân thủ đô và sự chung vai gánh vác của nhân dân cả nước trong việc chăm lo cho thủ đô, phục vụ cho sự nghiệp chung.

Đại biểu Đào Trọng Thi nói: “Về cơ chế tài chính, tôi ủng hộ cơ chế ưu tiên ngân sách đầu tư cho thủ đô và cũng nên quy định một cơ chế đặc thù là thủ đô được giữ lại những khoản thu vượt dự toán….”.

Đại biểu Lê Văn Học - Đoàn Lâm Đồng khẳng định, Hà Nội cần có những cơ chế, chính sách đặc thù. Tuy nhiên, ông cho rằng cần có những yêu cầu rất khắt khe với Hà Nội.

Thủ đô phải là tấm gương trong quản lý, điều hành và làm mẫu cho cả nước. Về xây dựng và phát triển thủ đô theo quy hoạch, Điều 9 của Dự thảo quy định “Thủ tướng Chính phủ quyết định các biện pháp và lộ trình việc di dời một số cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục chuyên nghiệp ra khỏi nội thành”. Các đại biểu cho rằng: Chủ trương này đã có từ hàng chục năm nay nhưng chưa đi vào thực tế vì rất khó khả thi. Tâm lý chung là không ai muốn di dời khỏi nội thành Hà Nội.

Đại biểu Lê Văn Học kiến nghị: “Theo tôi, chúng ta cần thêm một nội dung quan trọng như: Không cho phép các các cơ sở giáo dục đại học, nghề nghiệp không có cơ sở chính tại Hà Nội được đặt địa điểm đào tạo trong nội thành”.

Chiều nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Dự án Luật hòa giải cơ sở./.