Một Việt Nam phát triển năng động và tích cực hội nhập quốc tế đang ngày càng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư và bạn bè quốc tế. Để tạo nên hình ảnh đó, Việt Nam đã trải qua hành trình dài phát triển với những quyết sách về kinh tế và đường lối đối ngoại đúng đắn, nỗ lực mở rộng hợp tác song phương và đa phương, tham gia có trách nhiệm vào nhiều tổ chức khu vực và quốc tế.
Nhân kỷ niệm 75 năm Quốc khánh, PV VOV thường trú tại LB Nga phỏng vấn bà Irina Korguna - quyền giám đốc Trung tâm Chiến lược Nga tại Châu Á về những thành tựu phát triển và vai trò của Việt Nam trong khu vực ASEAN.
PV: Thưa bà Irina Korguna, bà đánh giá như thế nào về thành tựu phát triển của Việt Nam trong 75 năm qua, kể từ khi thành lập nước, đặc biệt là trong những năm gần đây?
Bà Irina: Việt Nam đã trải qua con đường phát triển rất lâu dài và phức tạp và rất khác biệt. Việt Nam xuất phát điểm là một nước Xã hội chủ nghĩa và đến nay vẫn giữ là nước XHCN, Việt Nam thêm vào thành phần năng động cơ chế thị trường. Rất ít nước trên thế giới có thể kết hợp một cách hữu cơ hài hòa hai thành phần ban đầu tưởng chừng như rất khác biệt với những tiền đề là sở hữu tư nhân và kinh tế thị trường. Nhưng Việt Nam vẫn duy trì vai trò chính là Đảng Cộng sản và thêm vào cơ chế thị trường và cho phép Việt Nam thể hiện kết quả kinh tế độc đáo trong 10-15 năm trở lại đây. Chúng ta thấy rằng, thậm chí trong điều kiện đại dịch hiện nay, Việt Nam là một trong số ít các nước vẫn duy trì tăng trưởng dương, trong khi đó trên toàn thế giới kinh tế đều giảm và thu hẹp.
Trong khi đó, Việt Nam vẫn tăng trưởng nhờ vào nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn vốn con người, Việt Nam tiếp tục phát triển và nâng cao mức độ hội nhập vào nền kinh tế thế giới. Đó là một thành tựu rất lớn và tôi nghĩ rằng thành tựu này còn lớn hơn trong những năm tới.
Cần phải nói rằng Việt Nam còn đạt được thành tích thậm chí cao hơn trên mặt trận ngoại giao. Chúng ta thấy trong những năm gần đây, từ thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN, Việt Nam đã trở thành một trong những "thủ lĩnh" của tổ chức này, Việt Nam đã chỉ ra được lợi ích bền vững và nhất quán của mình, chủ yếu là lợi ích của tổ chức hội nhập nói chung; Góp phần phát triển quan hệ với ASEAN, cũng như phát triển quan hệ của ASEAN với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nga.
Không phải dễ dàng để gắn Châu Âu, Nga, Mỹ, Trung Quốc, nhưng Việt Nam đã làm được việc này. Không thể không ghi nhận vị thế của Việt Nam được nâng cao trên trường ngoại giao khi Việt Nam lần thứ hai trở thành Chủ tịch ASEAN và được bầu là thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Đó là những dấu hiệu chứng tỏ Việt Nam phát triển thực sự phát triển năng động và tích cực, được cộng đồng quốc tế, trong đó có Nga thừa nhận những thành tựu này.
PV: Vậy bà có thể phân tích rõ hơn về vai trò của Việt Nam trong khu vực ASEAN và cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa Nga và ASEAN?
Bà Irina: Trước hết phải nói rằng, Việt Nam có khả năng phát triển rất ổn định, điều này là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định. Nhờ có đường lối chính trị ổn định, Việt Nam có thể thu hút các nước trong khu vực vào những sáng kiến khác nhau, bao gồm cả sáng kiến ngoại giao và những sáng kiến chiến lược khác.
Chúng ta không thể không nhận thấy rằng, ở Châu Á có những nước thay đổi chế độ chính trị, có biểu tình chính trị…, mặc dù trong mọi trường hợp đó là lựa chọn của người dân và chúng ta không có quyền phán xét, nhưng đó không phải là dấu hiệu tốt của ổn định chính sách. Việt Nam tránh được điều này và không thể không khiến ASEAN và cộng đồng quốc tế cảm tình với Việt Nam. Việt Nam đóng vai trò là nhân tố kết nối, thúc đẩy hội nhập trong ASEAN, tôi có thể nói như vậy.
Việt Nam đã thể hiện được vai trò lãnh đạo trong việc giải quyết một số vấn đề quan trọng mang tính chiến lược như vấn đề Biển Đông, chống khủng bố nói chung, chống tội phạm an ninh mạng, đó là một loạt vấn đề mà Việt Nam tập hợp được đối tác xung quanh. Và tất nhiên những yếu tố mà tôi đã nói ở phần đầu- thành công kinh tế Việt Nam cũng đã cho phép thu hút được các đối tác vào những sáng kiến chung, bởi vì chúng ta biết là các chính sách kinh tế luôn gắn chặt với chính sách chính trị.
Kinh tế Việt Nam phát triển thành công, nên nhiều nước ngày càng chú ý đến Việt Nam hơn. Việt Nam được các nước thành viên trong ASEAN+3 và ASEAN+6 công nhận, Hàn Quốc, Nga cũng nhiều lần nói đến vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong ASEAN.
Nga coi Việt Nam như là cửa ngõ vào ASEAN. Nhờ có sự hỗ trợ và có những sáng kiến của Việt Nam, Nga đã dần dần theo kế hoạch mở rộng tham gia hợp tác vào những tổ chức của ASEAN, đó là theo con đường chính trị, ngoại giao cũng như về mặt pháp lý, nghĩa là Nga gia nhập vào những tổ chức cơ cấu của ASEAN từ vai trò Việt Nam đã trở thành một trong những nước đầu tiên ký hiệp định thương mại tự do với Nga. Điều này tạo tiền đề ngày càng phát triển hợp tác ổn định của giới kinh doanh theo những nguyên tắc chung rõ ràng, theo cả hướng song phương lẫn đa phương. Việt nam cũng đi đầu trong những sáng kiến đầu tư với Nga, sau đó thì các nước khác tham gia vào. Hy vọng Việt Nam sẽ tiếp tục là cánh cửa vào khu vực của Nga và cánh cửa này sẽ không bao giờ khép lại.
Bà Irina :Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN vào thời điểm khó khăn đặc biệt, bởi vì có lẽ chưa khi nào mà trên thế giới các yếu tố bất lợi đồng thời diễn ra. Chúng ta thấy đại dịch Covid-19, bất đồng diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng leo thang. Chúng ta thấy những thách thức ngay trong nội bộ ASEAN, khi những vấn đề đặt ra về khả năng tồn tại và tương lai của tổ chức này.
Chúng ta cũng thấy thế giới bước vào kỷ nguyên của những vấn đề biến đổi khí hậu và khu vực ASEAN là một trong những khu vực quan sát thấy những dấu hiệu trái đất nóng lên, vì thế các nước trong khu vực cần phải có sáng kiến chung nào đó. Nói chung là thế giới hiếm khi cùng lúc lại diễn ra những yếu tố bất lợi như vậy.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam hoàn toàn không chờ đợi những thay đổi đó, đã hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Trong tháng 1/2020, Việt Nam đã hoàn thành trách nhiệm Chủ tịch Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc. Những biện pháp của Việt Nam đã đối phó chống lại đại dịch Covid-19 rất thành công và được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao.
Với một đất nước đông dân số và vẫn còn nhiều vấn đề về hệ thống y tế, chính sách xã hội, môi trường, nhưng Việt Nam đã đạt được thành công với số người mắc bệnh và tử vong rất ít. Điều này chứng tỏ, Việt Nam có khả năng đối phó được với những vấn đề nghiêm trọng nhất. Thành công này tạo cơ sở để thế giới khâm phục và tin tưởng Việt Nam.
Trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ leo thang căng thẳng, Việt Nam cũng đã xây dựng được quan hệ tốt của mình với cả hai nước. Tất nhiên giữa Việt Nam và Trung Quốc tồn tại những vấn đề nhưng Việt Nam đã xử lý để những vấn đề này không ảnh hưởng đến hợp tác kinh tế. Hợp tác kinh tế giữa Việt nam và Trung Quốc tiếp tục phát triển. Rất nhiều dự án đầu tư, kinh tế khu vực biên giới phát triển. Chúng ta thấy trong bối cảnh đối đầu với Mỹ, nhiều công ty Trung Quốc đã chuyển sản xuất của mình đến Việt Nam, vì Việt Nam có nguồn nhân công rẻ và có những nguồn lực nhất định.
Đồng thời Việt Nam cũng tiếp tục phát triển quan hệ với Mỹ. Chúng ta không thể quên được sự kiện năm ngoái-cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jung Un đã diễn ra ở Hà Nội. Đó cũng có nghĩa là sự đánh giá cao vai trò nhân tố giữ ổn định trong khu vực của Việt Nam và nhân tố này sẽ ngày càng phát triển trong những năm tới.
PV: Theo bà, Nga đang có những nỗ lực như thế nào để mở rộng hợp tác ở khu vực ASEAN?
Bà Irina: Mặc dù có những yếu tố bất lợi không nhìn thấy trước, nhưng nhìn chung bối cảnh thuận lợi cho hợp tác hai nước. Ngay cả đại dịch Covid-19 diễn ra thì đồng thời cũng là cơ hội cho hợp tác hai nước. Đó là hợp tác trong việc chống lại đại dịch. Việc Nga đã có vaccine và bắt đầu sản xuất và Việt Nam cũng thể hiện mong muốn mua vaccine của Nga. Đây là một lĩnh vực mở ra tiềm năng hợp tác, lĩnh vực mang tính thời sự.
Có một loạt vấn đề như an ninh mạng, đây cũng cũng là lĩnh vực có triển vọng phát triển. Công nghệ thông tin phát triển mang nhiều mối lợi nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, vì đặt ra những vấn đề rủi ro về bảo quản dữ liệu và Nga cũng mong muốn hợp tác với Việt nam và ASEAN trong lĩnh vực này bởi vì Nga có nguồn lực, tiềm năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Rõ rằng đây cũng là lĩnh vực hợp tác chiến lược.
Đầu năm 2020 Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov nói rằng, có thể thảo luận tập trận chiến lược giữa Nga và ASEAN. Đây cũng là lĩnh vực lớn có nhiều tiềm năng phát triển và không thể bỏ qua
Không thể không nói về hợp tác đầu tư kinh tế. Việc kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển và Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi các giá trị thặng dư của khu vực và thế giới sẽ làm tăng mối quan tâm của thế giới đối với thị trường Việt Nam. Tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp Nga sẽ có những sáng kiến tăng cường hợp tác với Việt nam.
Theo tôi biết nhiều doanh nghiệp Nga rất muốn hợp tác về thương mại điện tử. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 thì thế giới sẽ chuyển sang thương mại điện tử nên không thể bỏ lỡ cơ hội này. Đây là lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng.
Rõ ràng quan hệ hợp tác truyền thống về mặt năng lượng cũng vẫn sẽ phát triển. Đó là ngành hợp tác chiến lược, cũng như đầu tư Việt Nam vào Nga và Nga vào Việt Nam là nền tảng mạnh mẽ để phát triển hợp tác hai nước, cũng như những ngành năng lượng chiến lược khác như hóa dầu, tạo ra vật liệu mới, lọc dầu… và những sản phẩm khác của công nghiệp hóa dầu. Nói chung là tiềm năng rất lớn và cần có sự nhiệt tình của cả hai phía.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà Irina Korguna!./.