Hôm qua và sáng nay (30/9), tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường ký tháng 9 nhằm đánh giá tình hình kinh tế- xã hội của đất nước, cũng như thống nhất các biện pháp quản lý, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ từ nay đến cuối năm với quyết tâm thực hiện cao nhất các chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Chính phủ tập trung các biện pháp, chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo nhanh, bền vững gắn với rừng và nâng cao năng xuất lao động thông qua đổi mới công tác đào tạo nghề.

hop_chinh_phu_1_inzm.jpgThủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường ký tháng 9 

Theo Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến thảo luận tại phiên họp, từ đầu năm đến nay, nền kinh tế nước ta tiếp tục đà phục hồi trên tất cả các ngành, lĩnh vực chủ yếu. 13/ 15 chỉ tiêu Quốc hội giao có khả năng đạt và vượt, chỉ còn hai chỉ tiêu chưa đạt là giải quyết việc làm cho 1,6 triệu lao động và chỉ tiêu lao động qua đào tạo. Tăng trưởng kinh tế quý III cao hơn 2 quý trước và GDP 9 tháng ước đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ của 2 năm qua. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng cao hơn nhiều so với cùng kỳ.

Nông nghiệp đã khắc phục được các tác động tiêu cực do thiên tai, dịch bệnh gây ra và đạt mức tăng trưởng cao. Khu vực dịch vụ tiếp tục phát triển khá. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao và tiếp tục có xuất siêu. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, giá cả thị trường ổn định. An sinh xã hội tiếp tục được đảm bảo. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Tại phiên họp các thành viên Chính phủ đã tập trung phân tích một số vấn đề còn hạn chế như cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tái cơ cấu DNNN, cải cách công tác đào tạo nghề góp phần nâng cao năng xuất lao động, xây dựng các chính sách  để đẩy mạnh phát triển ngành du lịch...

Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường ký tháng 9 

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng những chuyển biến tích cực, khá đồng đều trên các lĩnh vực kinh tế xã hội trong 9 tháng qua là sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các thành viên Chính phủ đã sâu sát, cụ thể, quyết liệt, đề cao trách nhiệm trong từng lĩnh vực được giao phụ trách.

Thủ tướng cũng chỉ rõ một số vấn đề tồn tại nổi lên cần làm tốt hơn trong thời gian tới đó là: tổng cầu còn yếu, sản xuất kinh doanh vẫn khó khăn, nợ xấu còn lớn, nợ công tăng nhanh, giải ngân vốn đầu tư chậm, vốn đối ứng thiếu, cân đối ngân sách khó khăn, tái cơ cấu một số lĩnh vực vẫn chậm và chưa nâng cao được năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế…

Trên tinh thần phấn đấu quyết liệt để đạt cao nhất các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2014 và Kế hoạch phát triển kinh tễ xã hội 5 năm (2011 – 2015), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên Chính phủ tiếp tục bám sát các chủ trương, nghị quyết đã ban hành; năng động, sáng tạo, sâu sát vào từng vấn đề cụ thể, phát huy những kết quả đã đạt được, rà soát, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong nhiệm vụ của từng bộ ngành.

Thủ tướng giao Bộ Tài chính có phương án đánh giá lại thực trạng, hiệu quả sử dụng và triển vọng xử lý nợ công của Việt Nam trong 5-10 năm tới; Ngân hàng Nhà nước tiếp tục quyết liệt giải quyết nợ xấu trên tinh thần kiên quyết không sử dụng Ngân sách nhà nước, cùng với đó là quan tâm tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch đi liền với đảm bảo chất lượng, góp phần tăng tổng cầu và không gây ảnh hưởng đến nợ xấu; tiếp tục điều hành lãi xuất theo tín hiệu thị trường, đảm bảo ổn định tỷ giá và quản lý thị trường vàng.

Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ, ngành địa phương tiếp tục xây dựng cơ chế chính sách thu hút nguồn lực cả trong và ngoài nước tập trung đầu tư phát triển công, nông nghiệp, dịch vụ, cơ sở hạ tầng...; khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam gắn với đẩy mạnh xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Riêng đối với lĩnh vực Du lịch, Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, ban hành chính sách khuyến khích khai thác các thị trường tiềm năng nhằm đẩy mạnh lĩnh vực mũi nhọn này. Bộ Giao thông Vận tải sớm làm việc với các bộ ngành liên quan nghiên cứu khả năng mở cửa thị trường hàng không tạo thuận lợi cho khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam.

Liên quan đến lĩnh vực tái cơ cấu, Thủ tướng yêu cầu sớm phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước đã thực hiện xong việc xác định giá trị; đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp và lưu ý hơn tới tái cơ cấu trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: “Tái cơ cấu nông nghiệp làm mạnh mẽ hơn về lâm nghiệp gắn với đồng bào dân tộc thiểu số, xem đây là 1 nguồn thu nhập để đồng bào thoát nghèo, là không gian sinh tồn của họ, gắn với đó là chăn nuôi, hỗ trợ cho đồng bào”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư và đảm bảo vốn đối ứng của các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, khuyến khích triển khai các dự án BOT và các dự án do tư nhân đầu tư; đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả 3 khâu đột phá chiến lược, tập trung vào công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư phục vụ người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục đảm bảo các chính sách, chương trình an sinh, xã hội, giải quyết việc làm, quan tâm hỗ trợ hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa. Thủ tướng lưu ý Bộ Y tế tập trung giải quyết vấn đề quá tải ở các bệnh viện, thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, chuẩn bị phương án đối phó với các dịch bệnh bất thường và phối hợp với các bộ ngành xây dựng chương trình cấp phát thuốc miễn phí cho các bệnh nhân lao và đẩy mạnh tuyên truyền để sớm đẩy lùi căn bệnh này.

Thủ tướng cũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, qua đó định hướng đúng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Thủ tướng cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ chuẩn bị tốt các Báo cáo phục vụ cho kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc vào giữa tháng 10 tới, đồng thời chủ động giải đáp và trả lời chất vấn các vấn đề mà Quốc hội và cử tri quan tâm./.