Theo báo cáo và ý kiến phát biểu của các thành viên Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu: Chính sách pháp luật về biến đổi khí hậu đã được hoàn thiện tương đối đồng bộ.
Nhiều chính sách xây dựng và triển khai đúng tiến độ gắn với các mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.
Các dự án ưu tiên ứng phó với biến đổi khí hậu được chú trọng phân bổ nguồn vốn 3.000 tỷ đồng tập trung vào dự án ưu tiên, trồng và phục hồi rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn, các dự án đê sông, đê biển xung yếu và các hồ chứa nước trọng yếu.
Dẫn chứng biến đổi khí hậu đã và đang tác động trực tiếp đến nước ta, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều ý kiến đề nghị tập trung nguồn lực ưu tiên các công trình cấp bách liên quan đến gia cố đê biển xung yếu; chống ngập cho TP HCM, Cần Thơ; xử lý tình trạng sụt cột mốc của một số tỉnh, thành phố; khắc phục tình xâm nhập mặn; cơ chế đặc thù phát triển trồng rừng phòng hộ ven biển….
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - Chủ tịch Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu nhấn mạnh: Việt Nam là một trong những quốc gia chịu thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Những tác động tiêu cực này ngày càng rõ và ngày càng lớn trên thực tế.
Ứng phó với biến đổi khí hậu là việc làm liên tục, lâu dài nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, phải lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các cấp, các ngành và các địa phương.
Tất cả các ngành, các lĩnh vực đều phải tính toán quy hoạch phát triển trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ nhận thức, trách nhiệm về biến đổi khí hậu còn chưa tương xứng với tính nghiêm trọng của vấn đề; quy hoạch, kế hoạch chưa xác định được trọng tâm, trọng điểm nên đầu tư còn phân tán, dàn trải, thậm chí có dự án đầu tư kém hiệu quả…
Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền triển khai Nghi quyết Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường tới mỗi ngành, mỗi cấp và mỗi người dân.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị tập trung tập trung rà soát, cập nhật quy hoạch.
“Quy hoạch của từng ngành rồi quy hoạch những vùng trọng điểm bị ngập vì có tính chất liên ngành. Vùng ĐBSLC, Việt Nam mời Hà Lan giúp. Bây giờ đề án châu thổ sông Cửu Long tương đối rồi, sẽ đến vùng đồng bằng sông Hồng hay một số vùng ven biển. Vùng thì làm một số điểm thôi còn ngành là phải xuyên suốt. Vì chúng ta quản lý theo ngành, theo lãnh thổ và kết hợp ngành với lãnh thổ. Bây giờ ngành giao thông các đồng chí phải quy hoạch thôi, không có cách nào khác, ví dụ làm con đường dứt khoát không để ngập trong vòng bao nhiêu năm đó, chúng ta có tính toán rồi chúng ta làm. Ngành nông nghiệp các đồng chí quy hoạch sản xuất, thủy lợi. Xây dựng quy hoạch ngành xây dựng… theo tinh thần này, chúng ta có hết rồi và cập nhật lại”, Thủ tướng nói.
Trên cơ sở xác định rõ quy hoạch, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu xác định cụ thể các dự án trọng điểm ứng phó với biến đổi khí hậu để đầu tư có trọng tâm trong 5 năm tới, nhất là bằng các nguồn lực, tập trung giải quyết tình trạng xói lở ở biển Đông từ Gò Công đến Hà Tiên thông qua trồng rừng phòng hộ gắn với gia cố đê biển xung yếu; tính toán kỹ dự án chống ngập mặn; xử lý ngập ở TP HCM và Cần Thơ.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu phương án khai thác xử lý nước ngầm nhằm ngăn ngừa tình trạng sụt lún và sử dụng tiết kiệm nguồn nước; các Bộ ngành liên quan tăng cường hợp tác quốc tế để huy động các nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là triển khai hiệu quả đề án đàm phán, nâng cao vai trò của Việt Nam trong các hoạt động hợp tác quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu./.