<< Tập trung khắc phục những “điểm nghẽn” trong tăng trưởng

Chiều nay (16/10), Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe các Báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2008; dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009, phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW), ngân sách địa phương năm 2009 và phần thẩm tra của Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội về những vấn đề này.

Đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2008, dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTW năm 2009 của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, về cơ bản Uỷ ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với Chính phủ về những đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, NSNN và đầu tư phát triển năm 2008. Mặc dù nền kinh tế đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trước tác động tiêu cực do kinh tế thế giới đang lâm vào suy thoái, khủng hoảng tài chính ở Mỹ tác động nhiều mặt đến sự ổn định và phát triển của nền kinh tế thế giới; ở trong nước, lạm phát tăng với tốc độ cao, giá cả một số mặt hàng chiến lược không ổn định, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn,… song các giải pháp do Chính phủ đưa ra nhằm thực hiện 4 mục tiêu: kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Dự ước tổng số thu NSNN đạt khá, vượt 23,5% so với dự toán, tăng 26,3% so với thực hiện năm 2007, đạt tỷ lệ động viên 26,8% GDP. Chi NSNN theo hướng thắt chặt, góp phần kiềm chế lạm phát, tập trung nguồn lực để bảo đảm an sinh xã hội với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh, phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, bảo vệ môi trường.

anh-trong.jpg

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Thu NSNN vượt dự toán nhưng chưa ổn định

Theo Báo cáo của Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, tổng số thu cân đối NSNN ước đạt 399.000 tỷ đồng, vượt dự toán 76.000 tỷ đồng, tuy nhiên Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cho rằng mức vượt dự toán này chủ yếu từ yếu tố bên ngoài, yếu tố bán tài nguyên, đất đai. Số thu từ nội lực của nền kinh tế còn rất thấp và có phần giảm sút. Báo cáo của Uỷ ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội cũng đưa ra phân tích, mặc dù vượt dự toán 76.000 tỷ đồng, nhưng có 35.400 tỷ đồng vượt dự toán là do giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng 41 USD/thùng so với giá tính dự toán; thu XNK tăng 23.500 tỷ đồng (tăng 34,6% so dự toán), thu từ đất tăng 5.500 tỷ đồng (tăng 33,3% so dự toán). Những phân tích trên cho thấy thu ngân sách chứa đựng nhiều yếu tố đột biến, không ổn định. Bên cạnh đó, tình hình sản xuất kinh doanh năm 2008 cũng có biểu hiện chững lại, phát sinh nhiều khó khăn ở các khu vực kinh tế, kéo theo số thu NSNN không ổn định và không đều như các năm trước đây.

Về công tác quản lý và thu thuế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc triển khai thực hiện Luật quản lý thuế mặc dù đã tạo sự chuyển biến tích cực, công tác quản lý thu thuế có tiến bộ nhưng mức độ vẫn còn hạn chế. Tình trạng nợ đọng thuế có dấu hiệu gia tăng, trong bối cảnh tình hình kinh tế có khó khăn, mức phạt chậm nộp thấp hơn lãi suất vay ngân hàng, dẫn tới nhiều doanh nghiệp chiếm dụng tiền nộp thuế; tình trạng buôn bán hóa đơn bất hợp pháp, buôn lậu, gian lận thương mại, hạch toán sai lệch kết quả tài chính để trốn lậu thuế… vẫn chậm được khắc phục; các biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm chưa đủ mạnh, chưa triệt để. Uỷ ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn về kết quả và những khó khăn, hạn chế trong thi hành Luật quản lý thuế đối với việc thực hiện dự toán thu NSNN năm 2008.

Giải ngân chậm

Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cũng chỉ ra rằng việc thực hiện dự toán chi ngân sách còn chưa nghiêm, hiệu quả chưa cao, tiết kiệm chưa triệt để. Chi đầu tư phát triển ước cả năm đạt 118.000 tỷ đồng, tăng 18,3% so với dự toán, chiếm 24,9% tổng chi NSNN. Tuy nhiên, tình trạng chung đối với chi đầu tư là giải ngân chậm, đầu tư dàn trải, phân giao vốn đầu tư không đúng quy định, vi phạm trong đầu tư XDCB vẫn khá phổ biến, hiệu quả đầu tư chưa cao… Tỷ lệ giải ngân vốn XDCB đến hết tháng 9 mới đạt xấp xỉ 52% dự toán. Tỷ lệ giải ngân vốn Trái phiếu Chính phủ đạt rất thấp, 9 tháng đầu năm mới giải ngân đạt 40% so với kế hoạch Chính phủ đã điều chỉnh (28.526 tỷ đồng), dự ước cả năm chỉ đạt 20.000 tỷ, bằng 54% kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội và 70% vốn kế hoạch điều chỉnh của Chính phủ. Thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, Chính phủ đã chỉ đạo đình hoãn, ngừng triển khai, giãn tiến độ 1.968 dự án với tổng số vốn là 5.991 tỷ đồng bằng 8% kế hoạch vốn năm 2008. Tuy nhiên, số tiền đầu tư cho các công trình, dự án thực tế không giảm do toàn bộ kinh phí tiết kiệm được từ việc đình hoãn, ngừng triển khai và giãn tiến độ các công trình, dự án được tập trung đầu tư cho các dự án, công trình khác.

Theo báo cáo của Chính phủ, chi thường xuyên tăng 13,3% so dự toán và tăng 26,6% so với năm 2007. Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, trong điều kiện thực hiện chủ trương thắt chặt chi tiêu công, kiềm chế lạm phát, thì việc thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên chưa triệt để, chi quản lý hành chính vẫn vượt dự toán. Công tác quản lý chi tiêu chưa chặt chẽ, thanh quyết toán chưa nghiêm, còn để xảy ra vi phạm, lãng phí, tiêu cực. Nhiều định mức chi tiêu đã lạc hậu nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Nhiều ý kiến cũng đề nghị Chính phủ cần có giải trình về khoản ước chi bù lỗ cho dầu (32.000 tỷ đồng) có cần thiết nữa hay không khi trong những tháng cuối năm, giá xăng dầu nhập khẩu đang có xu hướng giảm, giá bán lẻ xăng dầu đã bình ổn, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã giảm lỗ.

Bội chi NSNN có thể cao hơn báo cáo của Chính phủ

Báo cáo của Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội cũng chỉ ra rằng, Chính phủ điều chỉnh chính sách tài khoá năm 2008 để thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát, nhưng chưa thật sự thắt chặt: thu thực chất tăng không lớn, chi chưa giảm, bội chi còn cao. Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên (được khoảng 2.800 tỷ đồng), cắt giảm các công trình XDCB (5.992 tỷ đồng), song thực tế chi đầu tư vẫn tăng 18.270 tỷ đồng so với dự toán năm 2008 và chi thường xuyên tăng 13,3%; số chi chuyển nguồn và tồn dư kho bạc lớn trong khi NSNN vẫn phải đi vay để đầu tư với mức lãi suất huy động cao.

Bội chi NSNN 9 tháng đầu năm là 17.425 tỷ đồng, bằng 26% dự toán. Việc giảm bội chi trong 9 tháng đầu năm đã góp phần kiềm chế lạm phát, số bội chi năm 2008 dự kiến giảm được 700 tỷ đồng so dự toán, làm giảm bội chi ngân sách xuống còn ở mức 4,95% GDP là một cố gắng; tuy nhiên, số tuyệt đối bội chi ngân sách vẫn tăng 9.700 tỷ đồng so với năm 2007. Có ý kiến cho rằng, nếu tính cả số phát hành Trái phiếu Chính phủ, các khoản vay về cho vay lại,… thì thực chất số bội chi NSNN lớn hơn so với báo cáo của Chính phủ. Các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ cần phân tích kỹ vấn đề này để có giải trình thêm với Quốc hội.

Năm 2009: ưu tiên thực hiện chính sách an sinh xã hội

Về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2009, Báo cáo của Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội đồng tình với mục tiêu tổng quát mà Chính phủ đề ra cho năm 2009 là: tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát theo hướng giảm dần, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và duy trì tăng trưởng bền vững. Uỷ ban Tài chính-Ngân sách cho rằng, cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt một cách quyết liệt, phối hợp đồng bộ, thống nhất với chính sách tiền tệ; thực hịên các giải pháp tăng thu ngân sách, giảm chi tiêu công đi đôi với việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và giảm bội chi NSNN; hoàn thiện chính sách thuế đi đôi với tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống nợ đọng thuế; thí điểm và từng bước áp dụng quản lý chi tiêu ngân sách trung hạn, theo hiệu quả và kết quả đầu ra; tổ chức thực hiện dự toán NSNN chặt chẽ, có tính đến các nhu cầu khi có sự thay đổi chính sách và biến động khó lường của thị trường trong nước và quốc tế.

Về chính sách chi NSNN năm 2009, xuất phát từ nguyên nhân lạm phát,  kinh tế có suy giảm, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với Chính phủ cần phải cơ cấu lại chi NSNN, ưu tiên đầu tư cho con người và thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi đầu tư phát triển duy trì bằng mức ước thực hiện của năm 2008.

Về cơ bản, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng thống nhất với Chính phủ về nguyên tắc, phương án phân bổ dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2009. Tuy nhiên, Uỷ ban này đề nghị việc phân bổ phải thống nhất, công bằng, không tạo ra độ chênh lệch quá lớn giữa trung ương và địa phương, giữa các vùng miền, nhưng cũng tránh bình quân, dàn đều; trong điều kiện kinh tế khó khăn, thu chưa đáp ứng đủ nhu cầu chi, việc phân bổ ngân sách Trung ương năm 2009 cần sắp xếp theo một trật tự ưu tiên./.