Cần có thái độ dứt khoát, kiên quyếtkhi sáp nhập xã, huyện

Tại hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo Đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, huyệnđến năm 2021 được tổ chức mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An chia sẻ: “Khi sắp xếp bộ máy, nội bộ nhiều chuyện lắm. Bây giờ mới làm đề án thôi đã tính đề xuất nọ kia, ở dưới đã có hiện tượng người ta chạy rồi. Người ta cũng trao đổi, làm hết chuyện nọ chuyện kia, rồi người này người kia điện thoại, đủ hết cả”.

Chia sẻ của ông không làm nhiều người bất ngờ, bởi lẽ việc sáp nhập, tinh gọn bộ máy được đánh giá là khó khăn, nhiều thách thức vì đụng chạm đến quyền lợi của nhiều người, nhiều đơn vị chịu tác động. Số đầu mối thu giảm lại cũng đồng nghĩa với việc một số vị trí quản lý, lãnh đạo được bớt đi thì cũng có thể cuộc chạy đua giữ ghế, chạy để không bị sáp nhập sẽ trở nên huyên náo hơn. Đây cũng là thực tế mà những người làm chính sách cần lưu ý, đánh giá tình hình để có những giải pháp ngăn chặn, xử lý.

Ông Lê Nam – nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa (khóa XIII) cho biết, trước thực trạng nợ công tăng cao, bộ máy hành chính cồng kềnh, phình to và kém hiệu quả, nhiều đơn vị hành chính không đạt tiêu chí về dân số, diện tích tự nhiên... thì việc sáp nhập là một yêu cầu bắt buộc.

1_29806_elgj.jpg
Ông Lê Nam – nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: Tuổi Trẻ)
Tất nhiên, việc sáp nhập sẽ khó khăn, sẽ gặp phải những cản trở nhưng một chủ trương đúng đắn, cấp thiết của Đảng thì cần phải làm quyết liệt chứ không thể dềnh dang như thời gian qua. Tổng Bí thư đã từng nói: “Chống tham nhũng, ai nhụt chí thì đứng sang một bên cho người khác làm”. Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, huyện cũng cần phải có thái độ dứt khoát, kiên quyết như chống tham nhũng.

“Khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, huyện, người nào ngại khó, ngại đụng chạm thì đứng sang một bên cho người khác làm. Vì nếu cứ chần chừ, chờ nhau thì sẽ không làm được. Ai chống được, ai lùi được nếu chúng ta quyết tâm, dứt khoát làm” – ông Lê Nam nhấn mạnh.

Áp dụng đồng bộ, đồng loạt nhiều biện pháp

Để hạn chế việc “chạy”, theo ông Dương Quang Phái (nguyên Vụ trưởng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương), cần áp dụng đồng bộ, đồng loạt nhiều biện pháp. Theo đó, để lựa chọn người đứng đầu khi sáp nhập 2 xã phải có các tiêu chí đánh giá cụ thể, công khai xem ai là người xứng đáng.

Tiếp đó, phải có bước đánh giá về phẩm chất như quan hệ của cán bộ đó với nhân dân như thế nào, có tham nhũng, tham ô không... Việc đánh giá này cần được lấy ý kiến nhân dân, các cán bộ của tổ chức chính trị - xã hội đánh giá nhiều chiều thông qua phiếu kín.

Kết hợp với đó là hình thức thi tuyển, cần đặt ra các mục tiêu về nội dung làm sao không phải là những lý thuyết chung mà là những tình huống thực tế, những vấn đề, nhiệm vụ của địa phương, để các ứng viên trình bày chương trình hành động của mình.

Ông Dương Quang Phái thừa nhận rằng, có những cán bộ được lựa chọn đúng người,  đúng việc với các bước tuyển chọn chặt chẽ, nhưng khi làm được một thời gian thì cá nhân họ bộc lộ những biểu hiện suy thoái. Đây chính là lỗi ở công tác quản lý, hay nói cách khác là giám sát quyền lực còn yếu.

“Để giải quyết việc này cần phải quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Ban thường vụ, Ban chấp hành, Bí thư được làm và không được làm những gì để chống lạm quyền. Những quy định này phải công khai để đảng viên và quần chúng nhân dân giám sát” – ông Dương Quang Phái nêu ý kiến.

Về vấn đề thi tuyển để lựa chọn cán bộ, ông Lê Nam (nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) cũng cho rằng, cách này vừa hạn chế được việc “chạy” ghế, vừa đánh giá được trình độ năng lực, tính toàn diện của cán bộ. Theo ông, nếu vẫn đánh giá theo cơ chế cũ, có ý kiến tập thể, thường vụ, thường trực, nhưng nếu cán bộ nào có tâm không trong sáng thì vẫn có thể lợi dụng để núp bóng tập thể, đưa những người không xứng đáng, không tiêu biểu vào bộ máy.

“Phải dựa vào dân, vào số đông cán bộ đảng viên để đánh giá cán bộ dựa trên cơ chế đánh giá thực chất, công khai, minh bạch. Chúng ta có cả một hệ thống gồm Mặt trận, đoàn thể… nhưng gần như vai trò của họ trong đánh giá cán bộ chưa được phát huy” – ông Lê Nam cho biết thêm.

Vị cựu đại biểu Quốc hội nhấn mạnh rằng, chúng ta không thiếu giải pháp để lựa chọn những công bộc của dân nhưng lại chưa gắn với trách nhiệm người đứng đầu. Vừa qua, trách nhiệm của người đứng đầu cũng đã được nhắc đến nhưng qua một vài vụ việc, ở nơi này, nơi kia, người đứng đầu vẫn “vô can”, chưa có ai bị xử lý khi để xảy ra tình trạng bổ nhiệm người nhà, cả nhà làm quan hay cán bộ mắc sai phạm nghiêm trọng. “Do đó, người quyết định công tác cán bộ, quyết định phương án cán bộ thì phải chịu trách nhiệm nếu cán bộ được lựa chọn không hoàn thành nhiệm vụ” – ông Lê Nam cho hay.

Nguyên Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay ở Thanh Hóa đang tiến hành sáp nhập thôn, bản, tổ dân phố. Sau gần 1 năm tổ chức triển khai đã giảm hơn 1500 thôn, bản, tổ dân phố; giảm hàng nghìn cán bộ bán chuyên trách, đi cùng với đó là tiết kiệm cho ngân sách. Quá trình khảo sát, tiến trình sáp nhập thôn, tổ dân phố được triển khai sâu rộng, đồng thuận trong nhân dân; thực hiện đúng hướng dẫn, quy định pháp luật, gắn với kiện toàn các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở. 

Có được kết quả như vậy là do sự chỉ đạo quyết liệt từ cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như sự đồng thuận của toàn thể nhân dân. Ông tin rằng, với quyết tâm chính trị như vậy thì tới đây khi tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã, huyện, không chỉ Thanh Hóa mà còn nhiều địa phương trên cả nước cũng sẽ đạt được những kết quả quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 18 Hội nghị Trung ương 6 về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”./.