Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Bỉ Elio Di Rupo, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Manuel Barroso, Thủ tướng Đức Merkel, Thủ tướng Italy Matteo Renzi và Giáo hoàng Francis, sáng 12/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ rời Hà Nội sang thăm chính thức Vương quốc Bỉ, Liên minh châu Âu (EU) và Đức từ ngày 13-15/10, tham dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 10 (ASEM 10) tại Milan, Italy từ ngày 16-17/10 và thăm Tòa thánh Vatican trong ngày 18/10 tới.
Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Liên minh Châu Âu (EU) và các thành viên quan trọng của thực thể kinh tế, chính trị đặc thù này là Đức, Bỉ và Italy với thông điệp: thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện, rộng lớn hơn và sâu sắc hơn với Liên minh Châu Âu nói chung và với từng thành viên của EU nói riêng. Điều mà dư luận trong nước và cả quốc tế đang đặc biệt quan tâm là tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU đang trong giai đoạn cán đích.
Cách đây đúng 4 năm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Chủ tịch Ủy ban Châu âu Barroso đã tuyên bố khởi động đàm phán hiệp định quan trọng này. Sau 10 vòng đàm phán với kết quả tích cực, hai bên cùng bày tỏ quyết tâm kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU vào cuối năm nay. Chuyến thăm chính thức Liên minh Châu Âu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu 2 tháng cũng là một trong những động thái ngoại giao tin cậy, thể hiện quyết tâm chính trị của cả hai bên cùng nỗ lực cao nhất đạt mục tiêu đề ra trong đàm phán Hiệp định thương mại tự do, đồng thời trong chuyến thăm lần này, hai bên cũng sẽ cụ thể hóa những cam kết đã tuyên bố, nhất là trong sử dụng nguồn vốn ODA 400 triệu EUR mà EU dành cho Việt Nam từ nay đến năm 2020, tập trung vào 2 lĩnh vực là năng lượng bền vững và quản trị quốc gia...
Sau chuyến thăm chính thức Liên minh Châu Âu, Bỉ và Đức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tới Milan, Italy để tham dự Hội nghị Cấp cao diễn đàn hợp tác Á-Âu lần thứ 10, gọi tắt là ASEM 10. Đây là diễn đàn đối thoại không chính thức giữa các Nguyên thủ, Người đứng đầu Chính phủ 53 quốc gia thành viên của hai châu lục, lãnh đạo Liên minh Châu Âu và Ban thư ký ASEAN. Qua 18 năm tham gia ASEM, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm với nhiều sáng kiến khởi xướng và duy trì các cơ chế hợp tác thiết thực liên quan đến hợp tác về ứng phó với thiên tai, quản lý nguồn nước, an ninh lương thực, tăng trưởng xanh…
Tham dự ASEM 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là một trong ba nhà lãnh đạo đầu tiên phát biểu dẫn đề tại phiên họp toàn thể về các vấn đề toàn cầu, tiếp tục đóng góp các đề xuất, sáng kiến đang là mối quan tâm chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Người đứng đầu Chính phủ nước ta – Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng là một trong ba nhà lãnh đạo cấp cao Châu Á được mời gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp hàng đầu đến từ hai châu lục Á-Âu trong khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Á-Âu lần thứ 14. Trong hai ngày diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEM 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ có các cuộc trao đổi, tiếp xúc song phương với nhiều Nguyên thủ và Người đứng đầu Chính phủ các quốc gia nhằm thắt chặt sự tin cậy chính trị và thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư…vvv.
Kết thúc Hội nghị Câp cao ASEM 10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ rời Milan đến Roma để thăm Tòa thánh Vatican. Đây là lần thứ 2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Vatican trên cương vị Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhằm thúc đẩy xây dựng quan hệ tích cực Việt Nam-Vatican. Đến nay, hai bên đã tổ chức 5 vòng đàm phán của Nhóm công tác hỗn hợp về quan hệ Việt Nam-Vatican. Đặc phái viên không thường trú của Vatican tại Việt Nam cũng đã thực hiện nhiều chuyến thăm mục vụ tại Việt Nam, đồng thời tham gia các hoạt động tôn giáo lớn của Giáo hội Công giáo Việt Nam và thăm các địa phương.
Chuyến thăm chính thức Liên minh Châu Âu, Bỉ, Đức; tham dự Hội nghị cấp cao ASEM 10 và thăm Tòa thánh Vatican tại Italy của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời thắt chặt tin cậy chính trị, thúc đẩy hợp tác toàn diện, thực chất, cụ thể trên các lĩnh vực giữa Việt Nam với các quốc gia, không chỉ đem lại lợi ích thiết thực cho các bên, mà còn đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới./.