Câu chuyện "sân sau" của quan chức một lần nữa khiến dư luận bức xúc khi những sai phạm của bà Phan Thị Mỹ Thanh – Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ. Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sỹ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong về vấn đề này.

chuyen_gia_kinh_te_nguyen_m_xfvp.jpg
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong. (Ảnh: Giáo dục Việt Nam)
PV:Trong quyết định cảnh cáo bà Phan Thị Mỹ Thanh chỉ rõ, từ năm 2008 khi giữ cương vị Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Công thương, Bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, bà Thanh vẫn tham gia điều hành công ty TNHH Cường Hưng do chồng của bà là cổ đông sáng lập và là Chủ tịch HĐTV. Bà Thanh còn lấy ngân sách để hỗ trợ BOT của chồng. Theo ông, vì sao công ty của một quan chức cấp tỉnh lại ngang nhiên tồn tại và được chống lưng công khai như vậy?

Ông Nguyễn Minh Phong: Có thể nói về mặt pháp lý, về mặt Đảng có những quy định khá chặt chẽ, theo đó một người đang ở cương vị này thì không để người nhà hoặc không trực tiếp tham gia vào những hoạt động kinh tế có liên quan. Tuy nhiên, ở địa phương thường hay có xu hướng: một là người đứng đầu thường o bế thông tin và những người phía dưới phụ thuộc rất ngại vượt cấp để có thông tin ra ngoài; thứ hai, có thể các đồng cấp nể nhau, nên tạo ra một hệ thống thông tin khép kín.

Một khi không có những cú “vượt rào”, hay những chỉ đạo từ trên cao xuống thì tình trạng ngang nhiên như vậy vẫn cứ diễn ra, không chỉ một địa phương mà có thể địa phương khác cũng có tình trạng này.

PV: Ông có bình luận gì về thực trạng “sân sau” của cán bộ ở mọi cấp, mọi nơi ngày càng nở rộ?

Ông Nguyễn Minh Phong: Chắc chắn đây là một vấn nạn đã, đang và sẽ tiếp tục tồn tại nếu chúng ta không có những cơ chế đột phá để ngăn cản.

Lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân đang trở thành mối đe dọa lớn nhất hiện nay đối với Đảng, chính quyền. Sân sau thể hiện cao nhất lợi ích của một số cán bộ coi việc tham gia hệ thống lãnh đạo như là một cửa kinh doanh, đặc biệt đối với những người bỏ tiền ra để “chi phí đầu vào” thì khi vào cuộc, có vị trí, có quyền thì chắc chắn tìm mọi cách để tham nhũng, hoàn vốn, làm lời rồi sau đó mới thực hiện nghĩa vụ của mình.

Tình trạng này tạo nguy cơ “ngưu tầm ngưu”, và sau vài vòng quay nhiệm kỳ như vậy là một xu hướng rất nguy hiểm đó là cán bộ đó ngày càng thấp dần về trình độ, vô nguyên tắc, vô trách nhiệm, tạo ra tình trạng tư nhân hóa ngầm, thất thoát tài sản công, biến các doanh nghiệp nhà nước, biến đất công, tài sản công thành đất của tư nhân theo đúng nghĩa; được nhân danh, được bảo vệ bởi hệ thống đáng lẽ cần phải dùng để bảo vệ lợi ích quốc gia.

Tình trạng này cũng tạo ra sự suy thoái, đổi màu trong hệ thống quản lý, thậm chí tạo ra sự nhân danh rất nguy hiểm, đó là lợi ích của quốc gia, của Đảng, Nhà nước trở thành một bệ đỡ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm dựa vào, thậm chí làm rỗng cũng như gây ra nguy cơ lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân vượt cả lợi ích quốc gia.

PV: Có nhiều người cho rằng, thật ra lâu nay người dân và nhất là giới doanh nghiệp không lạ gì chuyện sân sau của quan chức lãnh đạo nhưng họ không dám lên tiếng tố cáo vì sợ bị trả thù, hoặc chính họ có chung những quyền lợi nhất định. Theo ông, còn cái khó nào nữa khiến cho người ta không thể chỉ mặt, đặt tên sân sau nào là của ai?

Ông Nguyễn Minh Phong: Đây là một bài toán, một câu hỏi đã đặt ra và câu trả lời cũng đã có ở mức độ này, mức độ khác. Chúng tôi cho rằng có một số yếu tố gây nên tình trạng trên, thứ nhất là lợi ích liên kết, kể cả doanh nghiệp chi như vậy thì họ cũng xác định có lợi ích trong đó, hoặc có ưu đãi lớn hơn, vượt lên trên người khác, cạnh tranh không bình đẳng giữa các doanh nghiệp khác, do đó họ cũng o bế để kìm giữ thông tin, thậm chí còn thúc đẩy quá trình này.

Thứ hai, giữa các cán bộ vừa là đồng cấp, cùng liên kết lợi ích để tạo ra hệ thống bao che lẫn nhau, đây được coi là một trong những nguy cơ lớn nhất và nguy hiểm nhất.

Thứ ba, cơ chế phát hiện vượt cấp, cơ chế ngành dọc để kiểm tra mặc dù đã có quy định nhưng dường như bị vô hiệu hóa, thậm chí một số đơn từ gửi lên trên, tới báo chí rồi lại quay về nơi xuất phát hoặc xử lý người phát giác. Rõ ràng đây là một cơ chế rất nguy hiểm. Quốc hội cũng đã có nhiều ý kiến cần có Luật bảo vệ nhân chứng, bảo vệ người tố cáo để tạo ra động lực cũng như cơ chế an toàn trong thông tin.

Các đơn thư nặc danh gần đây đã được xem xét nhưng chúng tôi cho rằng kể cả đường dây nóng nặc danh cũng cần được khuyến khích, tất nhiên cần có cơ chế để tránh sự lạm dụng, nếu không thì tình trạng o bế thông tin, chậm trễ, thậm chí liên kết dìm thông tin, duy trì tình trạng lợi ích nhóm và sân sau sẽ còn tiếp tục. Đó cũng là một trong những kênh nguy hiểm nhất dẫn tới sự mất uy tín, lãng phí, tham nhũng kéo dài, đặc biệt có thể gây ra nguy cơ sự chính danh và sự đổ vỡ của hệ thống.

PV: Theo ông, đâu là mấu chốt, là những việc cần làm ngay để giải quyết triệt để vấn đề này?

Ông Nguyễn Minh Phong:Đột phá phải là công tác cán bộ, phải rà soát, thay đổi cơ chế vừa phát hiện vừa bổ nhiệm, vừa thanh tra vừa bổ nhiệm cán bộ. Rất tốt là gần đây chúng ta đã áp dụng thử nghiệm ở 14 đơn vị, Bộ, ngành, 22 địa phương về thi tuyển công, viên chức từ cấp Vụ, cấp Sở, phòng, nếu làm tốt sẽ mở rộng ra cả nước và tất cả các nơi, cũng như mở thêm ở cấp cao hơn.

Đột phá thứ hai là cần gia tăng công tác kiểm tra, thanh tra, đánh giá cán bộ để miễn nhiệm cán bộ cũng như phát hiện tham nhũng. Chương trình bảo vệ người tố cáo, chống trả thù rất quan trọng, chỉ khi có cơ chế này tốt thì mới phát hiện tốt.

Về mặt luật pháp cũng cần rà soát lại để bịt kín hơn, bắt lỗi một cách nhanh nhạy hơn, chế tài nghiêm khắc hơn những hành vi cố tình vi phạm cũng như cho các hành vi chưa được nhận diện để đưa vào bao quát. Cuối cùng là hệ thống thông tin, công khai tất cả các vụ việc, xử lý kết quả để tạo ra giám sát xã hội, giám sát chéo, giám sát lẫn nhau là rất cần thiết.

PV: Xin cảm ơn ông./.