Ngày 6/6 vừa qua, Hà Nội đã tổ chức bầu cử lại tại đơn vị bầu cử đại biểu HĐND cấp xã số 4, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) do trước đó có vi phạm trong công tác bầu cử.
Trước đó, ông Nguyễn Xuân Hùng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử xã Tráng Việt, đồng thời là ứng cử viên đại biểu HĐND xã tại đơn vị bầu cử số 4 xã Tráng Việt, nhờ ông Nguyễn Hữu Hoàn, Tổ trưởng Tổ bầu cử đơn vị bầu cử số 4 lấy phiếu bầu đưa cho ông Nguyễn Xuân Hùng. Sau đó, ông Nguyễn Xuân Hùng tự gạch phiếu và nhờ hai cán bộ dân quân của xã bỏ vào hòm phiếu của Tổ Bầu cử. Hành động này dẫn đến việc bị thừa 75 phiếu bầu đại biểu HĐND xã Tráng Việt.
Với những sai phạm nghiêm trọng như trên, Hội đồng bầu cử huyện Mê Linh đã chỉ đạo loại bỏ những người vi phạm ra khỏi Ủy ban bầu cử xã. Ông Nguyễn Xuân Hùng và ông Nguyễn Hữu Hoàn bị khai trừ Đảng.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, bà Trần Thị Dung - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, Chủ tịch HĐND xã Tráng Việt – ông Nguyễn Xuân Hùng đã cố tình tăng số phiếu cho bản thân mà gạch tên các ứng cử viên khác, hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật về bầu cử. Trong trường hợp nếu ứng cử viên này trúng cử thì về mặt tư cách, phẩm chất đạo đức cũng không xứng đáng trở thành đại biểu của dân.
Theo bà Trần Thị Dung, từ vụ việc này cũng đặt dấu hỏi lớn về trách nhiệm của tập thể, đặc biệt là Tổ bầu cử khi đã để một ứng cử viên dễ dàng “qua mắt”. “Tổ bầu cử có đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định, nhưng tại sao lại để một ứng cử viên là Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Ủy ban bầu cử xã lấy được số phiếu bầu lớn như vậy để mang về nhà tự gạch phiếu, sau đó nhờ người khác bỏ phiếu. Do thiếu hiểu biết về về luật pháp nên ứng cử viên này đã sớm bộc lộ việc thiếu tư cách, đạo đức. Qua đây cũng cần xem xét trách nhiệm của Tổ bầu cử”.
Bà Trần Thị Dung nói như vậy và cho rằng, hành vi gian dối trong bầu cử của ông Nguyễn Xuân Hùng có dấu hiệu tội phạm, được quy định trong Bộ luật Hình sự. Ngoài khai trừ Đảng, cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm hình sự của cá nhân mắc sai phạm. “Việc này cần được làm rõ, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật nhằm giáo dục, răn đe”- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, GS.TS Phan Xuân Sơn (giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, Chủ tịch HĐND xã Tráng Việt đã vi phạm nghiêm trọng Luật bầu cử, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm cần truy cứu trách nhiệm hình sự cá nhân này.
Vì động cơ cá nhân quá lớn, ông Nguyễn Xuân Hùng đã bất chấp luật pháp, bất chấp tất cả quy tắc, truyền thống của Nhà nước, địa phương, là điều không thể chấp nhận được. Trước sai phạm nghiêm trọng như vậy, tổ chức Đảng ở địa phương đã có hình thức kỷ luật kịp thời là khai trừ ra khỏi Đảng.
Ông Phan Xuân Sơn cho rằng, Ủy ban bầu cử ở địa phương đã có sự chỉ đạo rất chặt chẽ nên đã phát hiện kịp thời trường hợp sai phạm. Bởi trong quá trình kiểm phiếu, nếu các thành viên không phát huy hết trách nhiệm của mình thì cũng có thể 75 phiếu bầu gian lận sẽ không bị phát hiện. Khi đó hậu quả để lại sẽ còn nghiêm trọng hơn rất nhiều.
“Ủy ban bầu cử địa phương đã kịp thời phát hiện số phiếu thu về lớn hơn nhiều so với số phiếu phát ra. Sau đó, các thành viên kiểm phiếu phải tiến hành kiểm phiếu lại, tìm ra cái sai ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai. Qua kiểm tra, xác định ông Nguyễn Xuân Hùng đã lấy được 75 phiếu mang về nhà, gạch tên những ứng cử viên khác, chỉ để lại tên mình trên phiếu bầu và nhờ 2 dân quân đi bỏ phiếu hộ. Qua đó cho thấy Ủy ban bầu cử ở địa phương đã làm đúng, có trách nhiệm, nên sai phạm như vậy đã được phát hiện và xử lý kịp thời” – ông Phan Xuân Sơn phân tích.
Vụ việc ở xã Tráng Việt ngoài việc vi phạm nghiêm trọng luật bầu cử còn gây ra sự tốn kém cho địa phương khi phải tổ chức bầu cử lại, trong khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường. Cũng chính vụ việc hy hữu này làm cho kết quả bầu cử trên toàn quốc không được mỹ mãn. Sai phạm như vậy là không ngờ, cần phải rút kinh nghiệm, tuyên truyền đến cán bộ và nhân dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong bầu cử để không mắc những sai phạm tương tự.
Theo GS.TS Phan Xuân Sơn, qua vụ việc này cũng cho thấy, quy định về công tác bầu cử luôn cần hoàn thiện, đổi mới để vừa đảm bảo tính dân chủ, tính khả thi, vừa đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh. Bên cạnh đó, cần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cán bộ, cơ quan, đặc biệt là Ủy ban bầu cử các địa phương, bởi “đối với những cái sai nếu không cố tình vi phạm thì sẽ không sai được”./.