Tại phiên họp 42 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chiều 10/2, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo tóm tắt hồ sơ đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 và thành lập một số đơn vị hành chính đô thị của các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Lào Cai, Hà Nội, Cần Thơ, Khánh Hòa và Cao Bằng.
Theo dự kiến chương trình, nội dung này được xem xét quyết định ngay trong chiều nay, tuy nhiên, do còn có ý kiến về một số vấn đề, trong đó có sắp xếp 2 huyện của Cao Bằng nên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên làm việc đã quyết định dành thời gian làm việc sáng ngày mai (11/2) để tiếp tục nghe giải trình, thảo luận trước khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân |
Theo tờ trình của Chính phủ, tỉnh Thái Bình đề nghịthực hiện sắp xếp 47 đơn vị cấp xã. Số lượng đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng tỉnh Thái Bình đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 là 6 đơn vị.
Sau khi thực hiện sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Thái Bình từ 286 đơn vị giảm xuống còn 260 đơn vị (giảm 26 đơn vị).
Với tỉnh Lào Cai, có huyện Si Ma Cai thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 nhưng địa phương đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong đợt này. Về cấp xã, số lượng cấp xã thực hiện sắp xếp 19đơn vị.
Cũng theo đề án của tỉnh này, thành phố Lào Cai được mở rộng trên cơ sở điều chỉnh 21,11 km2 diện tích tự nhiên, dân số 5.040 người của huyện Bát Xát và 33,09 km2 diện tích tự nhiên, dân số 7.142 người của huyện Bảo Thắng để thành phố Lào Cai quản lý.Cùng với đó là điều chỉnh đơn vị hành chính 7 xã, phường của thành phố Lào Cai để thành lập mới 7 xã, phường.
Đề án cũng đề nghị mở rộng thị trấn Bát Xát thuộc huyện Bát Xát quaviệcđiều chỉnh 11,9 km2 diện tích tự nhiên và dân số 1.923 người của xã Bản Qua để thị trấn Bát Xát quản lý. Điều chỉnh 2,5 km2 diện tích tự nhiên và dân số 2.288 người của xã Xuân Giao để thị trấn Tằng Loỏng quản lý. Thành lập thị trấn Si Ma Cai trên cơ sở toàn bộ 15,01 km² diện tích tự nhiên và dân số 5.652 người của xã Si Ma Cai thuộc huyện Si Ma Cai.
Như vậy, sau sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lào Cai từ 162 đơn vị giảm xuống còn 152 đơn vị (giảm 10 đơn vị). Trước đó, khi thành lập thị xã Sa Pa (tháng 9/2019) cũng đã giảm được 2 đơn vị hành chính cấp xã.
Về đề án của TP Hà Nội, số lượng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 10 đơn vị. Có 5 đơn vị cấp xã thuộc diện phải sắp xếp nhưng thành phố Hà Nội đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn 2019 – 2021. Nếu được thông qua, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Hà Nội từ 584 đơn vị giảm xuống còn 579 đơn vị (giảm 5 đơn vị).
Trong khi đó TP Cần Thơ có số lượng đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 3 đơn vị. Sau khi sắp xếp, số lượng đơn vị hành chính cấp xã của thành phố Cần Thơ từ 85 đơn vị giảm xuống còn 83 đơn vị (giảm 2 đơn vị).
Với tỉnh Khánh Hoà, có huyện Khánh Sơn thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 nhưng địa phương đề nghị chưa thực hiện sắp xếp trong đợt này. Còn cấp xã thực hiện sắp xếp là 2 đơn vị. Khánh Hòa cũng đề nghị chưa sắp xếp trong giai đoạn 2019 – 2021 đối với 1 đơn vị cấp xã.
Theo đề án, sau khi thực hiện sắp xếp cácđơn vị hành chínhcấp xã,Khánh Hòa từ 140 đơn vị giảm xuống còn 139 đơn vị (giảm 1 đơn vị).
Còn đề án của tỉnh Cao Bằng, tại phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua nội dung sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp huyện và 76 đơn vị hành chính cấp xã. Riêng đối với việc sắp xếp 4 đơn vị hành chính cấp huyện còn lại (nhập huyện Trà Lĩnh và huyện Trùng Khánh; nhập huyện Phục Hòa và huyện Quảng Uyên), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung, hoàn thiện hồ sơ đề án để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại phiên họp thứ 42.
Tỉnh ủy Cao Bằng đã có Văn bản báo cáo giải trình để làm rõ thêm các yếu tố đặc thù, tổ chức lấy ý kiến cử tri và tiếp tục kiến nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc sắp xếp đối với 4 đơn vị hành chính cấp huyện trên. Chính phủ cũng nhất trí đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định theo hướng trên.
Như vậy, tính đến thời điểm này, Chính phủ đã cơ bản hoàn thành việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định Đề án sắp xếp đơn vị hành chính của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Qua việc sắp xếp cấp huyện, cấp xã tại 44/45 tỉnh, thành phố (thành phố Hồ Chí Minh chưa trình Đề án), trên cả nước giảm được 6 đơn vị cấp huyện và 544 đơn vị cấp xã (bao gồm cả Đề án của 6 tỉnh, thành phố trình đợt này nếu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua)./.
Quyết định sắp xếp đơn vị hành chính ở nhiều tỉnh, thành