Một trong những điểm mới quy định trong dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) hiện vẫn còn ý kiến khác nhau là Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
Thảo luận tại phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều nay (17/8), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng cần cân nhắc về quy định này để đảm bảo tính khả thi, tránh tình trạng áp dụng pháp luật không thống nhất.
“Anh bảo vệ gì cũng phải trên tinh thần Hiến pháp và pháp luật. Ta vì dân nhưng phải giải quyết được việc chứ lộn xộn thêm là gay. Hầu hết quyền dân sự ta giải quyết được hết rồi. Số việc không có luật áp dụng rất ít nhưng lại rất phức tạp và rất khó. Do đó nên hết sức cân nhắc”, ông Hiện đề nghị.
Đồng quan điểm, ông Trần Đình Nhã- Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng- An ninh cho rằng: “ Nếu Luật quy định chung chung thế này thì giải quyết rất phức tạp, vụ việc gì người dân cũng đưa ra và đề nghị toà án thụ lý, giải quyết, chẳng hạn 2 bên dân sự đưa ra tòa tranh chấp đất trên mặt trăng thì tòa giải quyết làm sao? Toà án bảo vệ công lý song phải bảo vệ quyền lợi hợp pháp, phải căn cứ vào pháp luật để xét xử. Do đó không nên quy định”.
Bác bỏ các ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói: “Luật chưa hoàn chỉnh nhưng toà giữ cán cân công lý thì toà phải làm. Hiến pháp nói bảo vệ công lý và cũng nói theo pháp luật, nhưng chưa có luật thì phải giải quyết theo lẽ công bằng, lẽ phải, để cuộc sống bình yên để từ đó bổ sung hoàn thiện luật. Toà không xử là không được”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Toà từ chối giải quyết thì dân dựa vào đâu? |
“Việc dân sự cốt ở hai bên, nhưng nếu hai bên không giải quyết được thì đưa ra tòa và tòa phải đưa ra nguyên tắc lẽ phải để cầm cân nảy mực, để phán việc này. Nếu không dựa vào tòa thì nhân dân biết dựa vào đâu, biết trông ai giải quyết? Pháp lý gì cũng phải có lẽ phải, nếu cứ có luật mới xử, không có luật mặc kệ thì không được”, Chủ tịch Quốc hội nói thêm.
Cho rằng toà không được từ chối giải quyết, ông Tống Anh Hào- Phó Chánh án TANDTC bày tỏ: “Nếu tranh chấp mà cơ quan thực hiện quyền tư pháp không đứng ra thì trật tự xã hội thế nào, để người dân tự quyết thì khó”.
Trước ý kiến băn khoăn cho rằng chưa có luật thì việc xét xử có thể tuỳ tiện, ông Tống Anh Hào cho rằng trên tinh thần Hiến pháp, trên cơ sở căn cứ vào tập quán, tương tự, án lệ, lẽ công bằng... để thẩm phán, HĐXX áp dụng.
Ngoài ra, ngoài cấp xử sơ thẩm còn có phúc thẩm, giám đốc thẩm và xem xét của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, nên khó xảy ra tính tuỳ tiện. Cấp dưới mắc sai lầm thì có cấp khác khắc phục được./.