Khắc phục vướng mắc trong thu hồi tài sản

Báo cáo tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội, sáng 3/9, Thượng tướng Lê Qúy Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, các lực lượng chức năng đã phát hiện 14.228 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (ít hơn 11,02% so với cùng kỳ 2018), 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (ít hơn 0,35% so với cùng kỳ 2018).

Đặc biệt, đã đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng tiến độ, khắc phục được nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp hồ sơ, tài liệu, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản.

Thứ trưởng Bộ Công an cũng nhấn mạnh, công tác phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng ở địa phương có nhiều tiến bộ, từng bước khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm góp phần răn đe vi phạm (điển hình là Công an Đắk Nông phát hiện vụ sản xuất xăng A95 giả quy mô lớn trên nhiều tỉnh phía Nam).

le_quy_vuong_mdks_thfz_pczp.jpg
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an

Theo Thứ trưởng Công an, qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế còn diễn ra phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, sử dụng phần mềm gian lận doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí tại các trạm thu phí BOT, như vụ xảy ra tại tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Hoạt động lợi dụng triển khai cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các doanh nghiệp, triển khai thực hiện các dự án, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư để chiếm đoạt tài sản nhà nước vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Tình trạng “tham nhũng vặt” trong giải quyết thủ tục hành chính công diễn ra tương đối phổ biến, nhất là ở cơ sở, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, Bộ Công an cho biết, đã khởi tố 33 vụ, 89 bị can liên quan đến lĩnh vực ngân hàng. Ngoài các vi phạm liên quan đến lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tham ô tài sản, vi phạm các quy định về cho vay... còn phát hiện một số phương thức, thủ đoạn hoạt động mới, như: Giả mạo chữ ký trên sổ tiết kiệm để chiếm đoạt tài sản ngân hàng; giả mạo thông tin khách hàng để làm thẻ tín dụng, làm giả phôi thẻ tín dụng để rút tiền chiếm đoạt; một số doanh nghiệp nước ngoài và trong nước cấu kết với nhau xin cấp hạ tầng, lập dự án, thông đồng với cán bộ ngân hàng để vay vốn, hợp thức hóa việc sử dụng vốn vay bằng các hợp đồng nâng khống giá trị máy móc, thiết bị với các đối tác nước ngoài để chuyển tiền ra nước ngoài...

Hành vi vi phạm chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng  là điều chỉnh tổng mức đầu tư (đội vốn) gây thất thoát ngân sách. Các vi phạm về sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý, sử dụng nhà ở, nhất là nhà chung cư vẫn diễn ra phổ biến. Tình trạng lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn trong việc triển khai thực hiện dự án đầu tư các công trình xây dựng để trục lợi diễn ra phức tạp. Riêng Thanh tra Bộ Xây dựng đã thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử phạt hành chính 83 tập thể, cá nhân.

Trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, vi phạm pháp luật trong quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai diễn ra phổ biến ở nhiều nơi gây bức xúc dư luận, là nguyên nhân dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài và phát sinh “điểm nóng” về an ninh trật tự tại một số địa phương. Tình trạng lừa đảo bán nhà, đất tại các dự án không có thật diễn ra phức tạp.

Giết người dã man, tàn bạo

Về tình hình tội phạm về trật tự xã hội tuy đã được kiềm chế làm giảm về số vụ, nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Toàn quốc xảy ra 39.776 vụ phạm pháp hình sự, trong đó một số loại tội phạm tăng, như dâm ô trẻ em tăng 46,79%, giao cấu với trẻ em tăng 20,98%, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản tăng 16,14%, cưỡng đoạt tài sản tăng 2,97%... so với cùng kỳ năm 2018.

Đáng lưu ý, trong thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ giết người với hành vi gây án dã man, tàn bạo (giết nhiều người, giết người vứt xác, chặt xác, đốt xác, giết phụ nữ và trẻ em...). Có nhiều vụ giết người, cố ý gây thương tích do đối tượng bị bệnh tâm thần hoặc bị ảo giác do sử dụng ma túy tổng hợp "ngáo đá" gây ra, gây lo lắng trong nhân dân.

Một số vụ việc điển hình như vụ giết, hiếp nữ sinh giao gà do các đối tượng nghiện ma túy gây ra tại Điện Biên; vụ Nguyễn Võ Ngọc Bảo “ngáo đá” giết, cướp tài sản của mẹ đẻ và em trai ruột tại Ninh Thuận; vụ Trịnh Viết Ba (hành nghề thầy cúng) dùng dao giết 02 người, bị thường 02 người là hàng xóm tại Nam Định; vụ Nguyễn Hoàng Nam “ngáo đá” chém chết bố, mẹ, bà nội tại TP. Hồ Chí Minh và 01 người khác tại Long An…

Tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra nhiều, nhất là tội phạm dâm ô và giao cấu với trẻ em tiếp tục gia tăng, gây bức xúc trong xã hội; xuất hiện thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người dưới hình thức mang thai hộ, mua bán bào thai…/.