Tiếp theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, chiều nay (21/5), Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về dự thảo Luật Kiến trúc.
Liên quan đến việc bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Nam, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ- Môi trường của Quốc hội cho biết, nhiều ĐBQH cho rằng, cần bổ sung quy định có liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc truyền thống các dân tộc Việt Nam cho phù hợp.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học- Công nghệ- Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày dự thảo Luật Kiến trúc tại phiên thảo luận chiều 21/5. |
UBTVQH cho rằng, việc bổ sung quy định về bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc, giá trị kiến trúc truyền thống Việt Nam là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo Luật không thể mô tả cụ thể các nội dung bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung cũng như bản sắc văn hóa của từng dân tộc nói riêng trong kiến trúc, bởi vì đây là những yếu tố hết sức đa dạng và phong phú.
Một số ý kiến đại biểu đề nghị bổ sung quy định về việc bảo tồn, phát huy giá trị công trình kiến trúc chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa.
Không ít công trình đã và đang xuống cấp, bị xâm hại
UBTVQH tán thành sự cần thiết bổ sung quy định về vấn đề này vì hiện nay đang tồn tại nhiều công trình kiến trúc có giá trị, có ý nghĩa về kiến trúc, lịch sử, văn hóa… nhưng chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Vì thế, không ít công trình này đã và đang xuống cấp và bị xâm hại; việc tu bổ, phục hồi chưa phù hợp… Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do cơ sở pháp lý chưa thực sự đầy đủ.
“Để bảo tồn, phát huy giá trị kiến trúc của loại công trình này, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về lập Danh mục, xin ý kiến về Danh mục công trình kiến trúc có giá trị và giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí đánh giá, phân cấp, phân loại công trình kiến trúc có giá trị; trình tự, thủ tục tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt Danh mục công trình kiến trúc có giá trị tại Điều 13, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu quản lý, không chồng chéo với quy định của pháp luật về di sản văn hóa và quy định khác của pháp luật có liên quan”- ông Phan Xuân Dũng cho biết.
Thảo luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) cho rằng, việc quản lý nhà nước đối với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, văn hóa là quan trọng và cấp bách; Đồng thời không chồng chéo các quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Tuy nhiên, đại biểu Thủy cho rằng, việc giao UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quy định bản sắc văn hóa dân tộc sẽ không khả thi, dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất trong toàn quốc. Bởi, quy định về bản sắc văn hóa dân tộc đòi hỏi chuyên môn rất sâu; nhất là nước ta có nhiều dân tộc và bản sắc văn hóa các dân tộc rất phong phú, đa dạng.
“Không nên giao cho từng địa phương mà nên giao thống nhất cho Chính phủ để đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc. Việc quy định bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong kiến trúc là hết sức cần thiết để tránh tình trạng thực hiện không chặt chẽ, dễ bị lạm dụng, dẫn đến tình trạng sao chép kiến trúc ngoại lai, tùy tiện, phá vỡ kiến trúc của bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam”- đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (đoàn Hậu Giang) phát biểu. |
Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cũng cho rằng không nên giao UBND tỉnh quy định vì sẽ không thể hiện được bản sắc của dân tộc. Do đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định giao Bộ Xây dựng ban hành quy định về tổng thể bản sắc văn hóa dân tộc với công trình kiến trúc trên cả nước. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ ban hành quy chế quản lý, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý trên địa bàn cả nước.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) việc xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc đối với các công trình kiến trúc là hết sức quan trọng. Tuy nhiên do quy định bản sắc văn hóa dân tộc đòi hỏi phải có sự am hiểu sâu sắc, chuyên về văn hóa dân tộc, phù hợp với các vùng miền, vì vậy đề nghị ban soạn thảo chỉnh lý theo hướng giao cho Chính phủ, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp xây dựng và quy định văn hóa bản sắc dân tộc để đảm bảo tính thống nhất.
“Nên đưa thêm chính sách để bảo vệ nhà truyền thống của người dân tộc thiểu số và phải có biện pháp chỉ ra, khắc phục được những nhược điểm của những kiến trúc khu vực nông thôn, kiến trúc truyền thống của một số dân tộc thiểu số. Khi có chính sách, đồng bào sẽ sống tốt hơn”- đại biểu Nguyễn Anh Trí nói./.
Luật Kiến trúc: Nhà nước không thể bắt “mặc áo đồng phục” cho căn nhà
Kỳ họp thứ 7 lần đầu tiên triển khai “Quốc hội điện tử”
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV sẽ diễn ra trong 20 ngày