Giảm diện tích đất trồng lúa song cũng cần ưu tiên quản lý chặt chẽ diện tích đất trồng lúa được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo đảm khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa. Đó là nội dung đáng chú ý trong Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia đã được Quốc hội thông qua trong phiên làm việc sáng 9/4.

Theo Nghị quyết được thông qua, Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm diện tích đất trồng lúa từ 3,81 triệu ha xuống còn 3,76 triệu ha (giảm 52.040 ha), trong đó đất chuyên trồng lúa nước giảm 92.950 ha. Trong số 3,76 triệu ha đất trồng lúa được giữ lại, có khoảng 400.000ha được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhưng khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa.

lua_zehn.jpg
Ảnh minh họa

Nghị quyết cũng điều chỉnh giảm diện tích đất rừng phòng hộ, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối. Giảm diện tích đất quốc phòng, an ninh, đất khu công nghiệp và đất phát triển hạ tầng; đồng thời tăng diện tích đất rừng đặc dụng, rừng sản xuất.

Trên cơ sở điều chỉnh, Nghị quyết cũng đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, ưu tiên các giải pháp bảo vệ diện tích đất trồng lúa như xác định ranh giới, công khai diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt, quản lý chặt chẽ diện tích đất trồng lúa được quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bảo đảm khi cần thiết có thể quay lại trồng lúa...; có chính sách, biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập để người trồng lúa yên tâm sản xuất.

Nghị quyết cũng nêu rõ: Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành địa phương điều tra, đánh giá tình hình đất đai bị mặn xâm nhập, tình trạng khô hạn, đất đai bị bỏ hoang không sản xuất được để có các giải pháp kịp thời giúp người dân chủ động trong việc ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phân bố dân cư, phát triển cơ sở hạ tầng và chuyển đổi cây trồng, vật nuôi một cách bền vững.

Cũng trong sáng nay, với đa số tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Nghị quyết về phê chuẩn công hàm thỏa thuận về cấp thị thực giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, việc phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận sẽ tạo điều kiện để cho công dân hai nước nhập, xuất cảnh trên lãnh thổ của nhau, giảm chi phí và thời gian đối với người dân cũng như cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, góp phần thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước, phù hợp với mức độ quan hệ đối tác toàn diện ngày càng sâu rộng trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và Hoa Kỳ và nguyên tắc đối đẳng, có đi có lại giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế./.