Chiều nay (20/4) tại Hà Tĩnh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã có buổi tiếp cử tri chuyên đề về doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm ghi nhận các kiến nghị gửi tới Kỳ họp thứ 7, khoá XIV sẽ diễn ra vào tháng 5/2019.

vov_11_faid.jpg
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại buổi tiếp xúc.

Trên địa bàn tỉnh có trên 6.200 doanh nghiệp đang hoạt động. Năm 2018, số lượng doanh nghiệp thành lập mới vẫn đạt cao nhất từ trước đến nay với 1.000 doanh nghiệp. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có trên 3.000 tổ hợp tác, trên 6 vạn hộ kinh doanh, đây là khu vực có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển thành doanh nghiệp. Vốn điều lệ bình quân của các doanh nghiệp trong nước đạt 9,9 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng gần gấp đôi so với năm 2010. Tuy nhiên, số doanh nghiệp hoạt động hiệu quả (có phát sinh thuế) vẫn còn thấp với tỷ lệ 38% tổng số doanh nghiệp, trong khi chỉ số này của cả nước là gần 50%.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri cho biết, hiện nay các ngân hàng thương mại không cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo vay vốn trong năm đầu tiên thành lập, đang ảnh hưởng tới cơ hội của các doanh nghiệp này trên địa bàn Hà Tĩnh là điều bất hợp lý. Đồng thời, đề nghị Chính phủ rà soát các chính sách tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn...

Trân trọng tiếp thu các ý kiến tâm huyết của các cử tri, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, khởi nghiệp - sáng tạo là lĩnh vực có nhiều rủi ro, ngay cả thế giới, các ngân hàng cũng “ngại” cho vay đối với loại hình này. Hiện nay Chính phủ đang hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hệ sinh thái cho các Quỹ đầu tư thiên thần, kêu gọi các Quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp- sáng tạo. Còn ngân hàng sẽ hỗ trợ đầu tư khi các Start-up đã phát triển thành doanh nghiệp.

Ngoài ra trong khi sửa Luật Chứng khoán lần này, Chính phủ bổ sung một chương riêng về xây dựng sàn giao dịch chứng khoán cho các Startup. Bày tỏ vui mừng về sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp Hà Tĩnh trong những năm qua, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật để tạo ra môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, là động lực của kinh tế đất nước.

Trong tháng 5/2019, Chính phủ sẽ ban hành Sách Trắng doanh nghiệp và sẽ ban hành thường niên, để công bố “sức khoẻ” của doanh nghiệp trong từng năm, ở từng địa phương. Sáng trắng sẽ tập trung vào 3 chỉ số: Số lượng doanh nghiệp, tốc độ phát triển doanh nghiệp và bảng chỉ số đóng góp của doanh nghiệp đối với địa phương (tổng mức đóng góp vào ngân sách và tiền lương)./.