Dự án luật này đã được Quốc hội cho ý kiến tại tổ và hội trường tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 11/2016. Tuy nhiên, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 10/1, ý kiến của đại diện các Bộ như Bộ Xây dựng, Bộ tài nguyên môi trường, Bộ NN-PTNT, Công Thương vẫn chưa thật sự thống nhất với dự thảo.

“Nếu làm luật thế này thì chất lượng không đảm bảo. Chính phủ trình nhưng rõ ràng từng thành viên Chính phủ chưa thống nhất với nhau” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thẳng thắn.

Còn Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng bày tỏ băn khoăn khi cho biết, trong hồ sơ, duy nhất chỉ có Bộ trưởng Bộ Xây dựng thể hiện rõ không đồng tình, các Bộ khác đều đồng tình nhưng không hiểu sao ra Thường vụ Quốc hội lại có nhiều ý kiến khác nhau.

nguyen_chi_dung_givu.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Trước các ý kiến từ các Bộ, đại diện cơ quan chủ trì - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bảy tỏ bất ngờ khi nghe nhiều ý kiến “nói ngược” vì trước khi đến phiên họp này ông tin tưởng đã có sự thống nhất.

“Chính phủ bàn rất nhiều luật, trong đó có Luật quy hoạch, sau khi bàn bạch cuối cùng là lấy phiếu, đầy đủ điều kiện mới trình ra Quốc hội. Khi trình ra đến Quốc hội rồi thì các ý kiến không chính thức của Chính phủ chỉ để tham khảo. Chứ trình ra rồi mà các Bộ ngành lại nói ngược, nói khác là trái nguyên tắc làm việc, như vậy không bao giờ làm được cả” – ông Nguyễn Chí Dũng bảy tỏ.

 “Nếu ở các nước làm luật là do một cơ quan riêng biệt độc lập, không bị chi phối bởi ai thì ở ta luật do các cơ quan làm, các cơ quan chỉ chủ yếu xem có ảnh hưởng gì đến cơ quan của mình hay không, ảnh hưởng lợi ích của mình hay không chứ ít theo hướng thay đổi để tốt cho xã hội hơn” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng bức xúc và nhấn mạnh quan điểm dự Luật Quy hoạch cần giảm bớt các quy hoạch nhưng một số Bộ lại cứ muốn giữ lại dẫn đến mỗi Bộ một ý kiến.

“Như Bộ Nông nghiệp nói cần có quy hoạch biển kiểm soát kiểm dịch động vật, tôi cho rằng không phù hợp, chẳng lẽ chúng ta đi xây dựng từng trạm đó à? Chỉ khi nào có dịch thì lập lên, xong rồi bỏ đi thôi, việc gì phải làm những việc đó. Ta phải mạnh dạn điều chỉnh, chỉ lấy cái thực sự cần, không thì mạnh dạn bỏ đi. Đó như là một cuộc cách mạng. Hay như quy hoạch không gian biển mà các nước đều có, thực ra chỉ là tập hợp 2 quy hoạch của Bộ Tài nguyên môi trường đang làm hiện nay cho phù hợp thông lệ quốc tế, chỉ có thế thôi mà rất ngại thay đổi” – ông Dũng nêu thẳng.

Trước tâm tư của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói: “Thế này thì rất băn khoăn và có gì đó chưa ổn nên các ngành phản đối, giờ các ngành cần ngồi lại với nhau để tìm ra cái chung”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng nhận định, ý tưởng về Luật quy hoạch là tốt. Theo ông, quy hoạch tổng thể quốc gia như một anh nhạc trưởng, tất cả quy hoạch khác đều phải nằm dưới sự điều hành của anh nhạc trưởng này thì mới thành công được. Đến giờ này Bộ này bộ kia còn ý kiến là không được.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý Luật này ra đời phải khắc phục được tình trạng chồng chéo, phân tán và rất lãng phí trong quy hoạch. Do đó, đề nghị tiếp tục hoàn thiện để tạo sự đồng thuận, sớm trình ra Quốc hội./.