Đây là dịp để đưa quan điểm của giới trẻ vào các tiến trình và kết quả của Đại hội đồng IPU-132.

Tại diễn đàn, nghị sĩ trẻ các nước đã chia sẻ ý kiến của mình với quan điểm của giới trẻ về hai dự thảo nghị quyết tại Đại hội đồng IPU 132 về chủ đề: Chiến tranh mạng - sự đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình và an ninh thế giới và Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước.

img_0399_qlss.jpg Một Nghị sĩ trẻ tại diễn đàn
Các đại biểu cho rằng, cần thiết phải có sự kết nối giữa Chính phủ các nước, người dân trên toàn thế giới để đối phó với những cuộc tấn công mạng đang là nguy cơ đe dọa đến hòa bình và an ninh thế giới, trong đó, vai trò của các nghị sĩ trẻ là rất quan trọng.

Ông Hon Yaumi Mpaweni, đại biểu Malawi nói: “Giới trẻ chính là tương lai của mỗi quốc gia. Chúng ta mang những thách thức tới diễn đàn, cũng chính là để tìm kiếm cơ hội. Tôi thấy rằng, Việt Nam cũng đang đối mặt với những thách thức chung của các nước khác trên thế giới. Những người trẻ Việt Nam được đánh giá rất cao, họ cũng là những nhà lãnh đạo trong tương lai. Do đó, diễn đàn này chính là cơ hội kết nối và chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia. Chúng ta cần những diễn đàn như vậy để trao quyền cho giới trẻ trong quốc hội các nước, cũng như tại các doanh nghiệp và các hoạt động kinh tế. Trao quyền cho giới trẻ cũng là trao quyền cho thế hệ lãnh đạo tương lai của đất nước”.

Tham gia diễn đàn, các đại biểu Quốc hội trẻ của Việt Nam đã góp ý kiến vào chủ đề “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của nghị viện về vấn đề nước”.

Đại biểu Nguyễn Đắc Vinh, đoàn Việt Nam cho rằng: Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước đa dạng và phong phú nhưng trên thực tế nguồn nước có thể sử dụng ngay lại có hạn vì phân bố không đều. Nhiều vùng bị thiếu nước sạch để sinh hoạt do ô nhiễm, lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán và các tác nhân khác.

Do đó, Quốc hội cần có vai trò thúc thúc đẩy hành động trong việc bảo vệ nguồn nước.

Ông Nguyễn Đắc Vinh đề xuất các giải pháp để quản lý có hiệu quả nguồn tài nguyên nước, trong đó nhấn mạnh nghị viện các nước cần điều chỉnh luật pháp, chính sách về quản lý nguồn nước; mở rộng và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong chia sẻ và tăng trữ lượng nguồn nước xuyên quốc gia, đồng thời thúc đẩy cơ chế đối thoại giữa các nghị viện để tạo ra khuôn khổ pháp lý quốc tế cho việc quản lý nguồn nước và nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng trong việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước.

Ngoài 2 nội dung chính được thảo luận tại Diễn đàn này, các nghị sĩ trẻ còn thảo luận xung quanh báo cáo chung về giới trẻ liên quan đến hoạt động của các Ủy ban của IPU để chuẩn bị cho cuộc họp tiếp theo và bầu các thành viên trong Ban lãnh đạo Diễn đàn từ Nhóm Á-Âu./.