Người chịu giám sát phải lấy phiếu tín nhiệm
Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) cho rằng, lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm vừa là một hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đồng thời cũng là một thẩm quyền quan trọng của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trong việc quyết định nhân sự.
Do đó, cần quy định lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với người có chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn vào trong Luật để đảm bảo giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân có tính kết quả cao.
Đại biểu Lưu Thị Huyền (Ninh Bình) |
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nhấn mạnh lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm không những là một hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, mà còn là kênh quan trọng giúp cho Đảng trong việc quyết định nhân sự.
Đại biểu đề nghị, tất cả những người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát của Hội đồng nhân dân cũng phải lấy phiếu tín nhiệm.
Còn theo đại biểu Vi Thị Hương, luật chưa thể hiện mối quan hệ giữ kết quả giám sát với việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.
"Khi qua giám sát phát hiện thấy "có vấn đề" thì có lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm không?", đại biểu đặt vấn đề.
Không thực hiện kết luận giám sát phải bị xử lý
Đại biểuLê Đắc Lâm (Bình Thuận) đề nghị, cần bổ sung chế tài xử lý đối với đối tượng chịu sự giám sát và các cơ quan liên quan trong trường hợp không giải quyết hoặc không trả lời yêu cầu, kiến nghị của các chủ thể giám sát.
Theo đại biểu, phải quy định thời hạn các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát phải xử lý các kết luận, kiến nghị giám sát, đồng thời làm rõ giá trị pháp lý của kết luận, kiến nghị giám sát, cũng như bổ sung các quy định nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát, coi đây là yếu tố quan trọng quyết định hiệu lực, hiệu quả của giám sát. Có như thế mới đảm bảo tính hiệu lực hiệu quả trong giám sát của Quốc hội, và Hội đồng nhân dân các cấp.
Đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) |
Đại biểu Hoàng Thị Hoa (Bắc Giang) cũng cho rằng hậu quả pháp lý của giám sát cần phải quy định cụ thể hơn. Đoàn giám sát phải có ý kiến chính thức bằng văn bản, trong đó kết quả giám sát phải nêu rõ những hạn chế, và kiến nghị, xử lý cụ thể đối với đối tượng bị giám sát, và đoàn giám sát cũng phải chịu trách nhiệm về kết quả giám sát của mình.
Về vấn đề này, Đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cũng nhấn mạnh: Không thể để kết quả giám sát cứ trôi đi. Phải quy định rõ bao nhiêu ngày nhận được kết luận giám sát thì đối tượng bị giám sát phải thực hiện, nếu không phải bị xử lý. Như thế mới tăng cường được hiệu lực, hiệu quả của giám sát.
Còn đại biểu Lê Văn Tân (Hà Nam) thì cho rằng, trong quy trình giám sát phải mời các chuyên gia ngành lĩnh vực, và cơ quan báo chí. Đặc biệt phải công khai kết quả giám sát trên các phương tiện thông tin đại chúng./.