Đến thời điểm hiện nay, các tỉnh, thành phố đã thực hiện xong hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có thể nói, cơ cấu và chất lượng đại biểu là hai vấn đề cần được giải quyết một cách hài hòa và thấu đáo. Tuy nhiên, đây thực sự là bài toán khó và thực tế cho thấy đôi khi khó có sự tỷ lệ thuận.
Theo Nghị quyết 1140 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội dự kiến cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa 14 và số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14 thì số lượng đại biểu Quốc hội ở Trung ương là 198 đại biểu, bằng 39,6%. Trong đó, cơ cấu, thành phần được dự kiến phân bổ là: các cơ quan Đảng 11 đại biểu; cơ quan Chủ tịch nước 3 đại biểu; các cơ quan của Quốc hội (đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương) 114 đại biểu.
Cũng theo Nghị quyết, đại biểu Quốc hội khóa 14 ở Trung ương tăng 15 người so với khóa 13. Số tăng này đều là đại biểu Quốc hội chuyên trách để góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Ít nhất 35% ứng cử là nữ để bảo đảm 30% đại biểu là nữ trúng cử... Sau kết quả hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ hai được tổ chức trong khoảng thời gian từ 16 đến 18/3; Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân được tổ chức từ 20/3 đến 12/4; Hội nghị hiệp thương lần thứ ba dự kiến được tổ chức trong khoảng thời gian từ 13 đến 17/4.
Theo dõi dự kiến phân bổ cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa 14, các đại biểu Quốc hội cho rằng cơ cấu là cần thiết nhưng vấn đề chất lượng đại biểu cần được coi trọng. Hoạt động nhiệm kỳ Quốc hội khóa 13 cho thấy vẫn còn tình trạng đại biểu vắng mặt nhiều tại các kỳ họp Quốc hội, đại biểu ít phát biểu, ít thảo luận, ít thể hiện chính kiến trong các phiên họp Quốc hội.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương |
Không ngạc nhiên khi có ý kiến đề nghị cần coi “không có tiếng nói nào” là tiêu chí đánh giá đại biểu Quốc hội khi họ tái ứng cử. Thực tế đó đã phần nào phản ánh chất lượng, năng lực, khả năng tham gia đại biểu là có vấn đề. Theo ông Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nếu quá coi nặng cơ cấu thì chất lượng đại biểu khó lòng đảm bảo. Qua hiệp thương lần thứ nhất vừa qua, tỉnh Quảng Bình gặp khó khăn trong quá trình dự kiến lựa chọn ứng cử viên đại biểu Quốc hội khi một người phải gánh nhiều cơ cấu, vừa là nữ, vừa phải nhất thiết là người dân tộc Chứt.
“Cơ cấu dân tộc, nữ, gánh thêm ngoài Đảng nữa rất khó khăn cho các tỉnh trong quá trình giới thiệu nhân sự. Để giải quyết bài toán này thì cơ cấu là cần thiết nhưng trong cơ cấu đừng ép quá chặt mà phải lỏng để các tỉnh, thành, cử tri có sự lựa chọn”, ông Nguyễn Ngọc Phương nêu ý kiến.
Không chỉ tỉnh Quảng Bình mới gặp khó khăn này. Bà Trần Thị Hoa Sinh, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho biết: Theo phân bổ cơ cấu, Lạng Sơn có 6 ứng cử viên đại biểu Quốc hội trong đó Trung ương là 2 đại biểu, địa phương là 4 đại biểu. Việc quy định cứng, một người gánh nhiều cơ cấu, đặc biệt phải là người dân tộc Nùng khiến địa phương gặp khó.
Qua hiệp thương còn cho thấy tỷ lệ đại biểu đại diện cho cơ quan hành pháp hoạt động kiêm nhiệm, đại biểu Quốc hội chuyên trách, giới thiệu đại biểu Trung ương nhưng không đưa số dư là những vấn đề đặt ra.
Bà Trần Thị Hoa Sinh nêu quan điểm: “Một người gánh nhiều cơ cấu quá thì không đảm bảo được chất lượng. Công tác tổ chức cán bộ do Đảng, hiệp thương do Mặt trận, bầu do cử tri. Bây giờ chúng ta làm thế nào chọn được đại biểu có kinh nghiệm, có năng lực là việc không đơn giản. Nên chăng trong cơ cấu mình giao làm thế nào mở ra để địa phương linh hoạt chọn. Nếu không chọn được những người có kỹ năng, am hiểu hoặc là có tố chất hoạt động đại diện cho cử tri bầu ra mình thì rất tiếc thì một khóa hoạt động là 5 năm. Ngoài ra phải tăng cường tuyên truyền cho cử tri hiểu về các ứng cử viên để lựa chọn cho đúng”.
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc |
Theo đại biểu Dương Trung Quốc, đoàn Đồng Nai thì việc quy định cơ cấu một cách cứng nhắc quá là không phù hợp vì tỷ lệ này có thể thay đổi: “Mặc dù chủ trương của chúng ta là thúc đẩy, tăng cường hơn lực lượng những người ngoài Đảng nhưng khi vận hành bộ máy, số lượng ngày càng ít đi. Có hiện tượng là khi tham gia ứng cử và được bầu vào Quốc hội, đại biểu là người ngoài đảng nhưng sau một thời gian ngắn họ vào Đảng ngay. Và vì vậy, so sánh từ đầu nhiệm kỳ đến cuối nhiệm kỳ, cơ cấu không còn đúng như ban đầu nữa. Đảng là người lãnh đạo, đảng chiếm rất đông số đại biểu Quốc hội thì Đảng phải thay đổi, phải cải tiến”.
Quốc hội mang tính đại diện nên vấn đề cơ cấu là cần thiết. Nhưng tiêu chí quan trọng hơn hết đó chính là chất lượng đại biểu như thế nào. Đại biểu gánh cơ cấu nhưng có đủ trí tuệ, hiểu biết, có đủ tâm huyết và ít nhất là thời gian vật chất để làm tốt vai trò đại diện cử tri trong việc thực hiện các chức năng của Quốc hội hay không. Nếu không, đó không chỉ là sự lãng phí về tiền của, vật chất chi cho hoạt động của người đại biểu trong cả một nhiệm kỳ mà quan trọng là lãng phí niềm tin, sự gửi gắm của cử tri vào đại biểu đó. Vì vậy, cơ cấu và chất lượng đại biểu trong quá trình bầu cử là chuyện không mới nhưng để giải quyết được cần sự đổi mới có tính đột phá trong quá trình tổ chức bầu cử./.