Bất cập lồng ghép ngân sách: Bài toán có lời giải
Đại biểu Trần Du Lịch - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, sửa đổi Luật Ngân sách phải đặt trên sự đồng bộ với hai luật liên quan tổ chức bộ máy hành chính, phân cấp phân quyền Trung ương và địa phương là Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Tổ chức Chính phủ.
Theo đánh giá của đại biểu, Quốc hội khóa XIII đã làm rất tốt phần đổi mới thể chế kinh tế, thể hiện rõ nhất ở Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có sự đột phá. Nhưng cùng với đó, một yêu cầu đặt ra là phải đổi mới thể chế tài chính công và hành chính công. “Vì đây là 3 bộ phận cấu thành thể chế phải đồng bộ mới vận hành được. Như xe máy có cái nhông, xích, líp nếu không đồng bộ thì khó hoạt động”.
Vấn đề tồn tại về ngân sách một phần nguyên nhân do lồng ghép giữa Trung ương và địa phương. Theo đại biểu Trần Du Lịch, hoàn toàn giải được bài toán này và Hiến pháp có dư địa đổi mới, vấn đề chúng ta đừng tự mình khép lại.
Gỡ lồng ghép ngân sách như thế nào? Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng trước hết phải xem lại định nghĩa thế nào ngân sách địa phương: “Ngân sách địa phương phải tiếp cận đầu tiên là tài nguyên thu địa phương, tức tài nguyên ngân sách mà địa phương thu được, từ đó xem địa phương này đủ chi nhiệm vụ mà theo luật phải chi không, nếu không đủ mới bàn phần còn lại là phần nào ngân sách trung ương hỗ trợ”.
Trên quan điểm đó thì ngân sách thực hiện trên một địa phương gồm 2 bộ phận rạch ròi: Ngân sách của địa phương xuất phát từ tài nguyên nguồn thu của địa phương do HĐND tự quyết định. Còn hỗ trợ của Trung ương do Quốc hội quyết định và giám sát hiệu quả.
“Hiến pháp không đóng chỗ này sao ta đóng lại, thành ra cái tự chủ không tự chủ, cái không tự chủ lại lồng ghép tự chủ. Luật này phải làm sao tối đa không có cơ chế xin - cho ngân sách. Tách bạch thì hết xin - cho. Luật phải xác định được phần nào tự chủ địa phương để HĐND quyết chứ Bộ Tài chính quyết rồi thì nói làm gì?”, đại biểu nói.
Tuy nhiên, theo đại biểu Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nói cái nào thu địa bàn thì địa phương tự chủ, phần nào trung ương đưa về thì Trung ương quyết định chỉ đúng với tỉnh điều tiết.
“Với tỉnh nghèo, có tỉnh nhận trợ cấp tới 90% là phần bổ sung cân đối từ Trung ương thì địa phương quyết định có 10% thì quyết định cái gì? Không phải tiền nào Trung ương đưa về Trung ương cũng quyết định mà khoản chi cân đối giao cho HĐND tỉnh quyết định, còn phần bổ sung mục tiêu thì Trung ương mới quyết định, có tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng để hạn chế việc xin-cho”, đại biểu nêu quan điểm.
Thẩm quyền của Quốc hội phải đảm bảo
Về quy trình ngân sách, theo đại biểu Trần Du Lịch, quan trọng là Quốc hội phải dành đủ thời gian để bàn về ngân sách. Theo đó, Quốc hội một năm họp bình quân 60 ngày với 2 kỳ thì có thể dành 10-15% quỹ thời gian đó để bàn ngân sách. Kỳ họp giữa năm bàn nhiệm vụ chi, kỳ cuối năm quyết khung và thảo luận trên hội trường.
“Cái gì đưa ra Quốc hội thảo luận minh bạch thì mọi thứ tốt, cái gì dấm dúi thì không tốt. Mà ngân sách cần minh bạch nhất nên đưa ra Quốc hội thảo luận, sẽ không ai so bì như tại sao tỉnh này ít, tỉnh kia nhiều vì liên quan nhiệm vụ chi, nhiệm vụ thi hành. Thông qua quy trình giống như làm luật sẽ chỉ tốt thôi”, đại biểu nêu ý kiến.
Theo đại biểu Bùi Đức Thụ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, nếu Quốc hội quyết định ngân sách ở 1 kỳ họp thìnhững ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu ra có đúng với dự toán ngân sách cũng khó tiếp thu.
“Ngân sách làm việc với địa phương từ 15/5 đến tháng 10 mới chốt. Bây giờ Quốc hội quyết định điều chỉnh tăng thu thì sẽ phân bổ vào đâu? Vừa qua sau khi Quốc hội quyết định, Bộ Tài chính phải tăng thu vào dầu thô, xuất nhập khẩu là những khoản 100% thuộc Trung ương. Cái đó là rủi ro rất lớn đối với cân đối ngân sách Trung ương, khó cơ cấu hợp lý xác định rõ mục tiêu, trọng điểm cần ưu tiên, cần đột phá. Đây là điều băn khoăn và cần có cách xử lý. Ngay cả một kỳ họp làm hai bước cũng khó xử lý được”, đại biểu nêu quan điểm.
Còn về quy định về thẩm quyền của Quốc hội, theo đại biểu, dự thảo có sự thay đổi nhưng không căn cơ. Cốt lõi nhất theo Hiến pháp, Quốc hội là người duy nhất có quyền quyết định ngân sách Nhà nước, nhưng thực tế phụ thuộc nhiều yếu tố.
Đại biểu Bùi Đức Thụ phân tích: Các điều quy định thẩm quyền Quốc hội vẫn quyết theo lĩnh vực, tức số lớn, còn phần lớn là thẩm quyền phân bổ chi tiết của các Bộ, ngành. Điều này không hợp lý, gây khó khăn trong giám sát thực hiện ngân sách Nhà nước, chưa đảm bảo thẩm quyền của Quốc hội.
Yếu tố thứ 2, căn cứ phân bổ ngân sách là định mức phân bổ thì vẫn giữ nguyên cơ chế hiện hành, đó là Chính phủ xây dựng định mức đối với chi thường xuyên, chi đầu tư và xin ý kiến UBTVQH rồi chuyển về cho Thủ tướng quyết định. Cơ sở bố trí ngân sách là các chính sách đầu tư phát triển từng ngành, lĩnh vực như thế nào do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
“Căn cứ như vậy thì việc Quốc hội quyết định ngân sách Nhà nước có hình thức không? Phải đảm bảo cái gì liên quan ngân sách phải trình Quốc hội, nhỏ hơn thì có thể ủy quyền giao UBTVQH xem xét”, đại biểu nêu ý kiến./.