Tiếp theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 5, chiều nay (8/6), các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 với426/426 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 87,47% tổng số đại biểu).

Theo đó, 3 dự án luật được đưa ra khỏi Chương trình năm 2018 là Luật Dân số; Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Công an xã.

Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật và cho ý kiến vào 9 dự án luật, trong đó có Bộ luật Lao động (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp... Các luật này sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Tại kỳ họp cuối năm 2019, Quốc hội cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Thanh niên (sửa đổi).

vov_dai_bieu_tran_thi_quoc_khanh_ebxp.jpg
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh phát biểu thảo luận tại tổ tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV

Trong các dự án luật dự kiến được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, đáng chú ý có dự án Luật Hành chính công do đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh - người trình sáng kiến dự án luật làm trưởng ban soạn thảo. Điều này được xem một dấu ấn rất mới trong công tác lập pháp của Việt Nam vì hầu hết các dự luật do Chính phủ trình và bộ trưởng làm trưởng ban soạn thảo.

Từ sáng kiến lập pháp của đại biểu Trần Thị Quốc Khánh – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Khoa học – Công nghệ và Môi trường, cuối năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo về đề nghị của ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công. 

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan ngang bộ tạo điều kiện thuận lợi cho lãnh đạo, chuyên viên là thành viên ban soạn thảo, tổ biên tập dự án Luật tiếp tục tham gia, hỗ trợ ban soạn thảo trong quá trình chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Hành chính công; phối hợp, hỗ trợ ban soạn thảo dự án luật trong việc tổng kết, đánh giá thực hiện chính sách, pháp luật về các vấn đề có liên quan thuộc nội dung của dự án Luật theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. 

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các bộ, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với ban soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ về hệ thống các luật liên quan đến hành chính công, xác định rõ sự cần thiết ban hành, phạm vi, đối tượng điều chỉnh của dự luật, tránh chồng chéo, trùng lắp với các luật hiện hành, báo cáo Chính phủ.

Trước đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận về dự án luật này tại phiên họp thứ 3 và lùi thời gian trình dự án luật ra Quốc hội do còn nhiều băn khoăn về các quy định trong dự thảo luật. 

Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề cao trách nhiệm, thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; không trình dự án, dự thảo không bảo đảm chất lượng; bảo đảm tính pháp lý, chính xác, đầy đủ của các tài liệu trong hồ sơ dự án, dự thảo; khắc phục triệt để tình trạng chậm gửi hồ sơ; xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc không hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh để báo cáo Quốc hội./.