Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 23/3, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, với những người do cơ quan có thẩm quyền trình để thay thế thì không cần phải có đơn từ nhiệm.

Điều 11 Luật Tổ chức Quốc hội quy định Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, cách chức người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn theo đề nghị của cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chức vụ đó. 

nguyen_hanh_phuc_ben_le_alrf.jpg
Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội

Luật cho phép kiện toàn nhân sự trong nhiệm kỳ và đây không phải lần đầu tiên thực hiện việc này. Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI, Quốc hội tiến hành kiện toàn các chức danh lãnh đạo Nhà nước và phê chuẩn một số thành viên chính phủ. Việc kiện toàn trong nhiệm kỳ cũng là luật cho phép.

Hơn nữa, sau Đại hội lần thứ XII của Đảng thành công, nhiều vị trí không tái cử hoặc được phân công nhiệm vụ mới nên cần kiện toàn một bước tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII để chuẩn bị cho nhiệm kỳ sau.

Sau bầu cử đại biểu Quốc hội tới đây, tại kỳ họp thứ 1, Quốc hội khoá XIV tiếp tục kiện toàn một số chức danh được bầu và phê chuẩn.

Trước câu hỏi liệu người được bầu tại khoá XIII khi được kiện toàn tại khoá XIV, dù thời gian chỉ mấy tháng nhưng có được xem như hai nhiệm kỳ, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, về mặt năm tháng thì người đó lãnh đạo hai nhiệm kỳ, tuy nhiên thực chất thời gian giữa hai kỳ họp chưa đủ 5 năm một nhiệm kỳ.

Liên quan vấn đề nhân sự, tại Hội nghị Trung ương 2 khoá XII vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương khẳng định, cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; nhất trí cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Trung ương đã bỏ phiếu giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội với số phiếu tập trung rất cao, đồng thời, Bộ Chính trị báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật./.