Tiếp tục chương trình tiếp xúc của tri của tổ đại biểu số 1, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, chiều nay (20/6), ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đại biểu đã tiếp xúc cử tri tại xã Hóa An, TP. Biên Hòa.

ong_thuong_1_czku_zojv.jpg
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng tại buổi tiếp xúc cuwe tri tỉnh Đồng Nai ngày 20/6/2018.

Tại buổi tiếp xúc, các đại biểu lắng nghe nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến các vấn đề dân sinh, tranh chấp đất đai, bảo hiểm xã hội, giải quyết chế độ chính sách cho người có công. Nội dung về luật An ninh mạng và dự thảo luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt tiếp tục được cử tri quan tâm, đặt câu hỏi cho các đại biểu Quốc hội.

Trao đổi với cử tri, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho biết, luật An ninh mạng vừa được Quốc hội thông qua với số phiếu tán thành cao. Theo ông Võ Văn Thưởng, hiện nay công nghệ thông tin phát triển mạnh tạo ra môi trường ảo, tuy là ảo nhưng lại là thật.

Vấn đề an ninh mạng là vấn đề rất quan trọng, việc ra đời luật An ninh mạng là để điều chỉnh các mối quan hệ trên không gian mạng nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân, xử lý các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

“Phải khẳng định rằng ra luật An ninh mạng hoàn toàn không có chuyện vi phạm quyền tự do ngôn luận, quyền bày tỏ quan điểm, chính kiến của công dân. Mà ngược lại còn tạo điều kiện thực hiện quyền này theo quy định của pháp luật. Ai cũng có quyền bày tỏ ý kiến nhưng chúng ta phải theo quy định của pháp luật, không phải chúng ta nói tự do rồi muốn làm gì thì làm. Mà có quy định pháp luật để điều chỉnh hành vi của con người trong mối quan hệ giữa công dân với công dân, giữa công dân với xã hội, giữa công dân với Nhà nước”- ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Ông Võ Văn Thưởng cũng nhắc lại các nội dung liên quan đến dự thảo luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, việc kiểm tra để nghiên cứu, trình Quốc hội dự luật này là đúng theo Hiến pháp và các quy định pháp luật.

Các đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt khi hình thành có thể giải quyết được 2 mục tiêu: Thử nghiệm cơ chế chính sách cho việc quản trị điều hành một nền kinh tế hiện đại, góp phần hoàn thiện thể chế về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tạo ra một khu vực phát triển mạnh mẽ, mang tính động lực để có thể thúc đẩy các khu vực khác, phát triển một số ngành công nghệ hiện đại.

Để đạt được mục tiêu này, đặt ra một số vấn đề về cơ chế chính sách vượt trội như chính sách về đất đai, thuế, chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao./.