Báo cáo của người được lấy phiếu thẳng thắn hơn

Cuối tuần này, Quốc hội tiến hành biểu quyết danh sách những người được Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm. Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đa số ý kiến đại biểu cho rằng chuẩn bị cho lần lấy phiếu tín nhiệm có kỳ này, các thành viên Chính phủ cũng như các chức danh được Quốc hội bầu ra đã có một sự chuẩn bị rất tích cực, trách nhiệm. So với lần lấy phiếu tín nhiệm trước, các báo cáo gửi đến đại biểu Quốc hội đã cho thấy có sự cầu thị hơn, thẳng thắn hơn trong việc tự đánh giá mình, những trường hợp nêu chung chung đã hạn chế.

thang_binh_trong_fjwx.jpg
Bộ trưởng Đinh La Thăng và Thống đốc Nguyễn Văn Bình
Với đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận), tuy không có đủ điều kiện để đọc hết 50 báo cáo, nhưng ông có thể cảm nhận được ý thức của người được lấy phiếu tín nhiệm đã được nâng lên rất rõ, các bộ trưởng báo cáo khá đầy đủ, phân tích rõ điểm nổi bật cũng như yếu kém, được đại biểu Quốc hội đánh giá cao.

Đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TPHCM) nhấn mạnh một số thành viên của Chính phủ đã có sự chuyển biến rõ rệt. Ở lần trước, mức độ tín nhiệm của họ chưa cao thì lần này họ đã có sự vào cuộc tích cực thể hiện ở lĩnh vực họ chịu trách nhiệm đã có sự chuyển biến rất rõ.

Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận), trong số những bộ trưởng có mức tín nhiệm thấp ở lần trước thì lần này đã có những hành động thiết thực, trong lãnh đạo điều hành rất quyết liệt phải kể đến Bộ trưởng Giao thông - Vận tải và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Trong thời gian đầu làm công tác quản lý cấp bộ, những giải pháp chưa thực sự kín kẽ, nhưng sau đó bằng những hành động quyết liệt, thiết thực, Bộ trưởng Giao thông-Vận tải đã đưa ra được nhiều giải pháp cho ngành Giao thông. Từ một ngành được coi là rất trì trệ nhưng đến giờ có thể nói ngành Giao thông-Vận tải đang được đánh giá cao.

Sự vào cuộc quyết liệt của vị Thống đốc cũng đã giúp ngành Ngân hàng có nhiều thay đổi, quan trọng hơn có thể nói vị tư lệnh ngành đã gần như loại bỏ được nguy cơ đổ vỡ hệ thống ngân hàng. Trước đó dư luận đã từng rất nghi ngờ sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của như những giải pháp của ngành Ngân hàng, nhưng đến giờ hệ thống ngân hàng được đánh giá là hệ thống khá ổn định.

“Chất vấn không có chuyện luân phiên”

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng cho rằng Bộ Y tế là điển hình của sự trì trệ. Công tác khám chữa bệnh, quản lý nhập khẩu trang thiết bị, quản lý thuốc, quản lý giá khám chữa bệnh… cho đến giờ vẫn gây rất nhiều khó khăn cho người dân. Không phủ nhận Bộ trưởng Y tế cũng đã làm được một vài việc tốt đó là chăm lo đến y tế biển đảo, chăm lo người bệnh nghèo nhưng những kết quả đó chưa thể hiện vai trò thực sự của Bộ Y tế - những người “gác cửa” cho sức khỏe của nhân dân. Dư luận kỳ vọng Bộ Y tế phải làm được những việc lớn lao hơn nữa, những công việc thuộc về trách nhiệm quản lý lớn nhất của ngành Y tế.

Đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng vị tư lệnh này đã có nhiều cố gắng, nhưng vẫn chưa đạt được sự mong đợi, có thể nói Bộ này vẫn trong vòng luẩn quẩn. Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa của Bộ vẫn còn nhiều ý kiến của đại biểu. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói rằng “công việc quản lý Nhà nước Bộ làm còn chưa tốt trong khi lại sa đà vào những vấn đề cụ thể, để rồi nảy sinh những vấn đề này khác, theo tôi là không nên”.

“Qua trao đổi, nhiều đại biểu cũng có chúng suy nghĩ như tôi đó là rất tiếc trong lần chất vấn này không có Bộ Giáo dục-Đào tạo và Bộ Y tế”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương chia sẻ. Ông cho rằng lý do Bộ trưởng Giáo dục mới trả lời chất vấn ở kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng Y tế mới trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ phiên họp thứ 26 là không thuyết phục bởi lĩnh vực họ đang chịu trách nhiệm có rất nhiều vấn đề nóng thì việc họ phải ra trả lời chất vấn trước Quốc hội, trước công luận là hoàn toàn hợp lý, ở đây hoàn toàn không có chuyện luân phiên đến ai người đó làm.

Về đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương khẳng định bảo lưu quan điểm chỉ lấy phiếu tín nhiệm đối với Chính phủ, bộ máy hành chính chứ không lấy phiếu đối với các lãnh đạo và thành viên Quốc hội, như vậy là hình thức khi “mình đánh giá chính mình”. Trong khi đó người dân quan tâm bộ máy điều hành hành chính nhà nước có hiệu quả, có phù hợp, có mang lại kết quả tốt đẹp hay không. Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý hành chính này./.