Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13, sáng 12/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trưởng, thảo luận về Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Trước đó, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật An toàn vệ sinh lao động.
Thảo luận về Dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), các đại biểu tán thành sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm cụ thể hoá quy định mới của Hiến pháp liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện cần thiết cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian tới.
Các đại biểu tập trung góp ý về chức năng giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc quy định tại chương 5 và chương 6 của Dự thảo luật.
Theo các đại biểu, việc thực hiện chức năng giám sát và phản biện xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân và phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền.
Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Mặt trận thì dự thảo luật cần làm rõ hơn cơ chế để mặt trận Tổ quốc tham gia hoạt động góp ý với Nhà nước, thực hiện giám sát, phản biện xã hội. Đồng thời cần khẳng định rõ tính chất giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trên nguyên tắc giám sát của Mặt trận mang tính nhân dân, hỗ trợ bổ sung cho công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra nhà nước, góp phần kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi bổ sung các chính sách phù hợp.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) cho rằng: “Tại điều 27, 28 quy định đối tượng, nội dung, phạm vi giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng không có nhiều điểm khác so với giám sát của cơ quan dân cử và cũng chưa thể hiện sự hỗ trợ, bổ sung cho công tác giám sát kiểm tra, thanh tra của nhà nước. Các hình thức giám sát quy định trong dự luật chưa rõ ràng. Vì vậy tôi đề nghị ban soạn thảo cần quy định cụ thể hơn các hình thức giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
Một số ý kiến góp ý, dự thảo không nên giới hạn phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với việc xây dựng chương trình, chính sách pháp luật, đề án của cơ quan nhà nước.
Theo các đại biểu, việc giám sát phải được thực hiện không chỉ ở khâu bắt đầu ban hành mà cả trong quá trình luật có hiệu lực thi hành và trong quá trình thực hiện chương trình, dự án. Có như vậy mới kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập cũng nhưng kịp thời phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực của các chương trình, dự án này.
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị: “Theo tôi việc giám sát phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm mục đích phát huy quyền làm chủ của nhân dân góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Do vậy không nên giới hạn chỉ phản biện đối với dự thảo, chính sách pháp luật, chương trình dự án mà phản biện cả khi chính sách pháp luật dự án được ban hành, thực hiện nhưng bộc lộ hạn chế, bất cập. Việc phản biện này đối với chính sách pháp luật, dự án góp phần điều chỉnh kịp thời chính sách pháp luật dự án sẽ nâng uy tín của Đảng, Nhà nước.”
Trước đó, đầu giờ buổi sáng, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật an toàn vệ sinh lao động, trong đó khẳng định: Vấn đề an toàn và sức khỏe người lao động là một trong những yếu tố quan trọng đối với mục tiêu việc làm bền vững; đồng thời, thực hiện yêu cầu đổi mới về công tác An toàn vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền được làm việc trong môi trường an toàn của công dân theo quy định của Hiến pháp, cũng như thực hiện các công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) mà Việt Nam là thành viên.
Ủy ban các vấn đề xã hội đề nghị việc xây dựng và ban hành Luật an toàn vệ sinh lao động cần quan tâm tới một số nội dung đặc biệt như: Chính sách, pháp luật về an toàn vệ sinh lao động phải bảo đảm mục tiêu quan trọng là phòng ngừa tai nạn lao động và khắc phục tổn thương về sức khoẻ cho lao động.
Ủy ban tán thành với việc mở rộng đối tượng áp dụng Luật An toàn vệ sinh lao động cho tất cả người lao động với các nhóm chính sách.
Về chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong khu vực có quan hệ lao động do chủ sử dụng lao động đóng 1% từ quỹ tiền lương, Báo cáo thẩm tra tán thành với dự thảo Luật bổ sung thêm hai chính sách, đó là chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc và chính sách hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tuy nhiên, để tránh lạm dụng Quỹ, cần xác định rõ tiêu chí, điều kiện hỗ trợ chi phí. Ngoài ra, cần xem xét để thay đổi quy định về mức đóng theo hướng linh hoạt thay cho mức đóng cố định 1% như hiện nay. Đồng thời tăng cường trách nhiệm của chủ doanh nghiệp đối với những ngành nghề có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cao.../.