Ngày 29/5, mưa lớn xảy ra vào đầu giờ chiều đã khiến nhiều tuyến đường nội đô Hà Nội chìm trong biển nước, ngập sâu khiến các phương tiện không thể di chuyển. Thực tế này vẫn thường xuyên diễn ra tại Hà Nội mỗi khi có những trận mưa lớn bất ngờ. Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng các hiện tượng thời tiết bất thường này làm lộ rõ nhiều bất cập trong quy hoạch tại các đô thị hiện nay.
Trao đổi bên lề Quốc hội sáng nay (30/5), đại biểu Võ Mạnh Sơn, đoàn Thanh Hóa cho rằng, hiện nay cứ mưa là ngập, ngay cả khi mưa chưa phải lớn lắm nhưng nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội đã ngập rất nặng.
Tình trạng ngập úng sau mưa không chỉ diễn ra tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM mà ngay cả các thành phố khu vực miền núi cũng gặp phải. “Có thể do bài toán quy hoạch chưa đảm bảo, cần khắc phục ngay, thậm chí cần cả một cuộc cách mạng tổng thể về quy hoạch. Quy hoạch rồi, nhưng cũng cần xem đến việc thực hiện quy hoạch thế nào. Nhiều địa phương đã làm quy hoạch nhưng quá trình thực hiện lại chưa tốt, chưa tôn trọng quy hoạch. Nếu làm tốt vấn đề quy hoạch sẽ tránh được tình trạng ngập lụt cục bộ, câu chuyện muôn thủa cứ mưa là ngập như hiện nay. Trận mưa ngày hôm qua tại Hà Nội đã cho thấy một ví dụ điển hình về ngập lụt, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, kể cả ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thành phố”, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho biết.
Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đoàn Hà Nội, trong quy hoạch đô thị hiện nay cần thực hiện theo hướng tích hợp, tức tất cả các loại quy hoạch được đặt trên cùng một hệ thống, như vậy sẽ tránh được tình trạng mâu thuẫn, hay quy hoạch này thực hiện đúng nhưng quy hoạch kia lại vướng. Thậm chí, nhiều dự án đầu tư hiện nay khi triển khai đến khi gần xong lại phát hiện vi phạm các quy hoạch khác dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Đại biểu cũng đơn cử như tình trạng ngập lụt tại Hà Nội mới đây, bài toán đặt ra không chỉ là quy hoạch hệ thống thoát nước khi xây dựng đô thị, mà còn cần quy hoạch các công trình thủy lợi. Nếu các hệ thống này không tích hợp với nhau, thì các công trình có thể làm tốt quy hoạch xây dựng nhưng lại vi phạm quy hoạch về thoát nước, hoặc thủy lợi, dẫn đến không thực hiện được mục tiêu chung. Khi chuyển sang phương thức quy hoạch tích hợp sẽ hạn chế được những chồng chéo, hạn chế nêu trên.
“Yêu cầu đặt ra của quy hoạch tích hợp là không được đặt các giải pháp quy hoạch riêng lẻ mà cần thực hiện đồng bộ. Ví dụ quy hoạch công trình đô thị đồng thời phải có các vấn đề về cấp thoát nước xảy ra, kèm theo đó là vấn đề giao thông, dịch vụ", đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Dưới góc độ chuyên môn, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả các nước có hạ tầng phát triển như Mỹ, Châu Âu, khi có các hiện tượng thời tiết bất thường lớn thì hạ tầng cũng khó chống chịu. Tuy nhiên, từ thực tế cứ mưa là ngập tại Hà Nội, hay TP.HCM diễn ra trong thời gian qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, phải nhìn lại toàn bộ hạ tầng ở các đô thị. Khi thiết kế các đô thị thì quan trọng nhất là mỗi đô thị mang đặc trưng về địa hình khác nhau, do đó cần dự báo được tình cực đoan của khí hậu thời tiết, hệ thống đó phải dự báo được số lượng dân cư sử dụng. Tức các hệ thống thu nước mưa, thoát nước mưa, xử lý nước thải phải đồng bộ, phải tính toán được mật độ dân cư, cùng với hạ tầng.
Trước câu hỏi, Hà Nội có nên có dự án chống ngập giống TP.HCM không, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, với Hà Nội trước tiên cần tăng cường công tác dự báo. Bên cạnh đó, cần có các dự án tổng thể trong đó đánh giá một cách căn cơ và đưa ra những số liệu lịch sử cũng như số liệu hiện nay về hiện tượng cực đoan của thời tiết với lượng mưa. Đặc biệt cần nghiên cứu một cách kỹ càng cách tiếp cận khi thiết kế đô thị, để làm sao đô thị đó là đô thị thông minh, chống chịu được các hiện tượng thời tiết cực đoan.
“Cần có một dự án tiếp cận một cách tổng thể, xuất phát từ dự báo, quy hoạch tính toán để có một hạ tầng có thể chống chịu, thích ứng, phù hợp được. Thêm vào đó là các giải pháp kỹ thuật, sử dụng các giải pháp mang tính chủ động như các khu vực khi lũ lụt thì có khu vực để chứa nước trong thời điểm đó, như cánh đồng, sân vận động, có thể là các bể chứa nước để tạm thời không tạo ra sự ngập lụt, tác động vào những nơi xung yếu gây thiệt hại về tài sản cho con người. Phải tạo ra một hệ thống hạ tầng, bao gồm cả hệ thống chứa nước ở các nơi giao thông, những khu ngập lụt lớn. Nhưng quan trọng nhất vẫn phải xuất phát từ thiết kế tổng thể hệ thống”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói./.