Thay mặt Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách vào sáng nay (6/9), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết, quan điểm cần quy định việc xử lý đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc trong dự thảo Luật.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, đối với tài sản do phạm tội, vi phạm pháp luật mà có thì BLHS, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định rất cụ thể các biện pháp tịch thu sung công hoặc tịch thu trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp. Luật PCTN hiện hành và dự thảo Luật cũng đã quy định tịch thu đối với tài sản do tham nhũng mà có.

Riêng đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì đến nay, pháp luật chưa có quy định để xử lý, trong khi đó, không loại trừ tài sản, thu nhập này có nguồn gốc bất hợp pháp.

le_thi_nga_gxht.jpg
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

“Nghị quyết của Đảng cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác PCTN, nâng cao tính gương mẫu của cán bộ, công chức, người có chức vụ, quyền hạn trong việc minh bạch tài sản, thu nhập nên cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ để PCTN có hiệu quả hơn và việc xử lý đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là bước tiến mới trong công tác PCTN” – báo cáo nhấn mạnh.

Cũng theo bà Lê Thị Nga, thực tiễn xử lý các trường hợp vi phạm nghĩa vụ kê khai và giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm thời gian qua cho thấy, một số cán bộ, công chức, viên chức có tài sản giá trị rất lớn nhưng việc không giải trình được hợp lý nguồn gốc cũng chưa có cơ chế để xử lý tài sản, thu nhập này đã gây nghi ngờ trong dư luận

Để làm cơ sở xử lý, khoản 6 Điều 3 dự thảo Luật đã bổ sung giải thích cụm từ “Không giải trình được hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm” là: Việc giải trình không có căn cứ pháp luật về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và cũng không phù hợp với thực tế hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm đó.

Liên quan đến phương án xử lý số tài sản, thu nhập không rõ nguồn gốc, hiện có 3 loại ý kiến chủ yếu là xử lý bằng truy thu thuế, xử lý hành chính và xem xét, quyết định tại toà án.

UBTVQH đề nghị lựa chọn phương án xem xét, quyết định tại toà án. Theo đó, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ chuyển Kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan để yêu cầu Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình.

Tòa án ra quyết định thu hồi tài sản, thu nhập tăng thêm nếu người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc hoặc bác yêu cầu của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp quyết định người có nghĩa vụ kê khai đã giải trình hợp lý về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm.

Ưu điểm của các phương án này, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của Luật PCTN hiện hành; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác PCTN.

“Việc giao cho Tòa án xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình cũng bảo đảm được tính khách quan, minh bạch và bảo đảm quyền lợi của các bên. Đây cũng là hình thức xử lý mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng” – bà Lê Thị Nga nói.

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo luật cũng nhấn mạnh, phương án này không mâu thuẫn với quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm chứng minh. Bởi vì Luật PCTN hiện hành đang quy định người có nghĩa vụ kê khai phải có tránh nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và quy định này tiếp tục được kế thừa trong dự thảo Luật. Mặt khác, Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn phải có trách nhiệm chứng minh tính không hợp lý trong việc giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai.

Tuy nhiên, do còn ý kiến khác nhau nên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội vẫn thiết kế hai phương án để xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Đó là việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc sẽ do Tòa án xem xét, quyết định hoặc thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định của pháp luật về thuế./.